Liên minh châu Phi (AU) nỗ lực giữ im tiếng súng để phát triển

Liên minh châu Phi (AU) nỗ lực giữ im tiếng súng để phát triển
Hội nghị Thượng đỉnh AU lần 33 đang diễn ra ở thủ đô của Ethiopia với chủ đề “Im tiếng súng: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của châu Phi”.

Cuộc gặp thường niên này luôn nhận được sự quan tâm của dư luận khu vực và quốc tế bởi nó thường cho thấy những bước đi quan trọng mà các nhà lãnh đạo châu Phi hướng tới nhằm thúc đẩy an ninh và sự phát triển cho châu lục này. Với chủ đề “Im tiếng súng: tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của châu Phi”, hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho châu Phi với bước đi đầu tiên là “im tiếng súng” trong năm 2020 tạo đà cho sự phát triển trên cơ sở thỏa thuận thương mại tự do Châu Phi vừa được ký hồi tháng 7 năm 2019.

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

“Im tiếng súng: tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của châu Phi”, đây chính là chủ đề của hội nghị và là một dự án hàng đầu của Chương trình nghị sự năm 2063 với kế hoạch chi tiết cho châu Phi thịnh vượng và hòa bình. Im tiếng súng hay chấm dứt mọi cuộc chiến ở châu Phi vào năm 2020 đã được các nguyên thủ quốc gia AU đưa ra trong tuyên bố kỷ niệm 50 năm của Liên minh Châu Phi vào năm 2013.

Trong suốt 7 năm qua, các quốc gia Châu Phi đã nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Nhưng thực tế họ mới thành công ở Cộng hòa Trung Phi và Sudan, trong khi các cuộc xung đột vẫn kéo dài ở một số số nơi như Libya, Nam Sudan và từ rìa Sahara đến Mozambique.

So với năm 2005, ở Châu Phi chỉ có 6 quốc gia có xung đột và 7 cuộc xung đột vũ trang, 15 năm sau và 7 năm sau khi Liên minh tuyên bố cần im lặng tiếng súng thì số lượng các cuộc xung đột vũ trang đã leo thang từ 7 đến 21 vào năm 2018. Điều này cho thấy sự phức tạp của tình hình an ninh ở châu Phi. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc thực hiện Chương trình nghị sự châu Phi năm 2063 với tầm nhìn "Im lặng súng” nhằm mục đích chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, xung đột dân sự và ngăn chặn nạn diệt chủng ở lục địa này từ năm 2020.

AU nhận thấy cần thiết phải xây dựng hòa bình thông qua việc thực hiện cách đổi mới như phát triển và đoàn kết và nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của xung đột và những ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, đồng thời thực hiện các biện pháp cải tiến khác, thay vì hướng đến giải pháp quân sự. Các nhà lãnh đạo châu Phi kêu gọi các cơ quan thế giới như Liên Hợp Quốc tăng cường hỗ trợ giải quyết các cuộc xung đột như ở Libya, Nam Sudan. "Im lặng súng” được cho là vấn đề then chốt để thúc đẩy hội nhập kinh tế ở lục địa này. Sau Ai Cập, Nam Phi tiếp quản chức chủ tịch AU và đang giữ một vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được kỳ vọng có khả năng mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực hơn cho khu vực.

Vai trò AU với điểm nóng Libya

Tình hình Libya được nhận định là điểm nóng nhất của khu vực châu Phi hiện nay. Cuộc nội chiến ở Libya bi kéo dài từ năm 2011 tới nay và ngày càng leo thang với sự tác động và can thiệp của nhiều bên. Chính vì vậy, vai trò trung gian hòa giải của Liên minh châu Phi đã khó thành công. Nhiều hội nghị hòa giải quốc tế chủ yếu do Liên Hợp Quốc bảo trợ đã phớt lờ vai trò của AU. Bên cạnh đó, ngay trong nội bộ Liên minh châu Phi cũng có những bất đồng và chia rẽ trong vấn đề Libya. Một số nhà phân tích nói rằng “vấn đề Libya đã bị đóng khung khi một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở châu Âu, đòi hỏi phải có phản ứng thực tế của các nước châu Âu".

Liên Hợp Quốc vẫn luôn nỗ lực để chấm dứt xung đột ở Libya và thúc đẩy các bên ngồi vào bàn đối thoại. Nhưng nếu chỉ riêng vai trò của LHQ sẽ rất khó thành công khi mà các nước có ảnh hưởng, các phe phái ở Lybia và cả liên minh châu Phi chưa tìm được tiếng nói chung. Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 33 này được cho là cơ hội để đại diện LHQ bàn thảo với các nhà lãnh đạo châu Phi tìm giải pháp cho Lybia thay vì quân sự và xung đột.

Đại diện LHQ về Libya Ghassan Salamé tin rằng sự tham gia của Liên minh châu Phi là điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng Libya bởi cuộc khủng hoảng này vượt xa biên giới của đất nước và các tác động tàn phá đối với lục địa châu Phi, đặc biệt là những hậu quả tiêu cực của nó. Ông Ghassan Salamé cho rằng an ninh của châu Phi và khu vực phụ thuộc vào khả năng hợp tác của các bên nhằm thuyết phục các bên xung đột tham gia vào một cuộc đối thoại, tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí và các cam kết khác đối với đạt được hòa bình và ổn định ở Libya.

Mở cửa thị trường để phát triển

Tăng trưởng kinh tế của Châu Phi ổn định trong năm 2019 ở mức 3,4% và dự báo sẽ tăng lên 3,9% vào năm 2020 và 4,1% vào năm 2021. Năm 2019, lần đầu tiên trong một thập kỷ, chi đầu tư, thay vì tiêu dùng, chiếm hơn 50% tăng trưởng GDP. Các chuyên gia nhận định có một cơ hội trị giá 16 tỷ USD nếu các nước châu Phi thực hiện đầy đủ thỏa thuận thương mại tự châu Phi (AfCFTA) ký kết vào giữa năm 2019 và có hiệu lực vào tháng 6 năm 2020.

Trong kịch bản lý tưởng khi có sự tự do hóa thuế quan 100% giữa các quốc gia thành viên châu Phi theo thỏa thuận, GDP tổng hợp của lục địa sẽ nhảy vọt lên 3.000 tỷ USD vào năm 2030 từ 2.100 tỷ USD hiện nay. Bên cạnh đó, với dân số tăng trưởng đều đặn lên tới 2 tỷ, lực lượng lao động 1,1 tỷ châu Phi sẽ là lớn nhất thế giới vào năm 2040. Lục địa này chiếm một phần ba tài nguyên khoáng sản toàn thế giới, 10% trữ lượng dầu thế giới và sản xuất gần 70% giao dịch kim cương toàn cầu. Hơn ba phần tư xuất khẩu của châu Phi sang phần còn lại của thế giới tập trung vào tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là nguyên liệu thô.

Ngược lại, nhập khẩu châu Phi từ bên ngoài lục địa như các sản phẩm sản xuất, máy móc công nghiệp và thiết bị vận tải chiếm hơn 50% nhu của Châu Phi. Đó cũng là những hạn chế cho sự phát triển của lục địa này. Bên cạnh đó, tỉ lệ nghèo đói và bất bình đẳng vẫn cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới, nợ nước ngoài gia tăng của châu Phi là một mối lo ngại và việc thực hiện hội nhập khu vực cũng là một thách thức khi vẫn còn có các chính sách phức tạp và thường xuyên xung đột, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, hậu cần thương mại kém, yêu cầu pháp lý khó khăn, thị trường tài chính đầy biến động và thủ tục hải quan phức tạp.

Các nhà kinh tế đều nhìn nhận với AfCFTA cả thương mại trong và ngoài khối, trong đó có Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cải cách quy định, môi trường chính trị và chính sách thương mại nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện sự môi trường kinh doanh. Hơn nữa, các nền kinh tế ít định hướng xuất khẩu hoặc có môi trường kinh doanh không thuận lợi nên xác định các lợi thế so sánh và thế mạnh chính để tận dụng những lợi thế này để khai thác vào các chuỗi giá trị AfCFTA mới. Đây cũng luôn được coi là thị trường tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam bởi các rào cản kỹ thuật không khắt khe, yêu cầu thị trường không quá cao. Giới phân tích tin rằng những thách thức này sẽ được khắc phục và thập kỷ tới sẽ chứng kiến sự tăng trưởng của AfCFTA thành một khu vực giao dịch toàn cầu mới./.

Ngọc Thạch

Tags: Châu  Phi Im Tiếng Súng Liên Minh Châu Phi Thượng Đỉnh Châu Phi Ethiopia Libya