Gojek - kỳ lân nổi tiếng của Indonesia - đơn vị chủ quản của "siêu ứng dụng" phổ biến với mong muốn đáp ứng tất cả các nhu cầu hàng ngày của con người từ đi lại, ăn ở đến mua sắm vừa tuyên bố rằng họ sẽ đóng cửa dịch vụ phong cách sống hiện đang cung cấp trên nền tảng của mình.
Gojek được biết đến là công ty mẹ của ứng dụng gọi xe GoViet ở Việt Nam.
Bước đi kể trên đến vào thời điểm startup này đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng về việc làm sao để có lợi nhuận. Các nhà đầu tư đang ngày càng khắt khe hơn với những công ty nổi tiếng đốt tiền sau bê bối của WeWork. Quyết định của Gojek cho thấy kỳ lân của Indoensia với mức định giá 10 tỷ USD cũng không thể bị loại ra khỏi xu hướng này.
Năm 2017, GoLife được Gojek tách hẳn ra thành một ứng dụng riêng chuyên cung cấp các dịch vụ phong cách sống. Được biết hiện đang có 7 dịch vụ khác nhau được cung cấp trên GoLife. Tuy nhiên, Gojek sẽ vẫn giữ lại 2 dịch vụ là GoClean và GoMassage để tiếp tục hoạt động. Theo phía công ty, 2 dịch vụ này chiếm 90% đơn đặt hàng trên ứng dụng. Những dịch vụ còn lại gồm GoGlam - đặt nhân viên làm đẹp và GoFix - dịch vụ gọi nhân viên sửa chữa sẽ chấm dứt hoạt động vào tháng 12 và tháng 1.
"Chúng tôi tin rằng việc xem xét và đánh giá tình trạng hoạt động của các sản phẩm và dịch vụ của công ty là cần thiết để đáp ứng các nhu cầu liên quan tới người tiêu dùng và cho tốc độ tăng trưởng trong tương lai.
Chúng tôi đã thông báo những thay đổi này tới tất cả những bên có liên quan và đưa ra đề nghị với các đối tác để tiếp tục cung cấp các dịch vụ thay thế thích hợp bên trong hoặc ngoài hệ sinh thái Gojek", Chủ tịch GoLife là Wesly Simatupang nói.
Gojek đang chuẩn bị cho vòng huy động vốn Series F và kỳ vọng huy động được 2 tỷ USD. Những nhà đầu tư hiện tại của họ gồm Google, Tencent và Mitsubishi.
Khởi đầu là một tổng đài gọi xe taxi, năm 2015, ứng dụng Gojek ra đời và ngay lập tức mở rộng nhanh chóng. Đến thời điểm này, Gojek là startup thứ 2 ở Indonesia tuyên bố điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh. Trước đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Bukalapak cũng đã sa thải 10% trong số 2.000 nhân sự vào tháng 9.
Những bước đi này cho thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của các nhà đầu tư - những người trước đó vốn chỉ quan tâm tới tốc độ tăng trưởng. Sau khi thất vọng với màn IPO của Uber và Lyft, tiếp đến là vụ IPO "sẩy" của WeWork các nhà đầu tư đang chăm chú hơn đến việc có lãi.
Những kỳ lân châu Á khác cũng phải cắt giảm việc làm trong năm nay gồm có Zomato và một ứng dụng giao đồ ăn có trụ sở ở Ấn Độ. Một trong những kỳ lân đầu tiên của Hong Kong là Tink Labs - chuyên cung cấp điện thoại thông minh cho các khách sạn trên khắp thế giới cũng gần như tạm ngưng mọi hoạt động.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn, câu hỏi về lợi nhuận và sự bền vững đã được chú trọng khi các startup lớn bắt đầu trưởng thành hơn. Cả Gojek và Bukalapak đều đã hoạt động được khoảng 10 năm.
"Tập trung của chúng tôi không còn là tốc độ tăng trưởng mà là làm sao để xây dựng được một công ty bền vững", Teddy Oetomo - Giám đốc chiến lược Bukalapak nói.
Hầu hết các kỳ lân Indonesia đều đã có sự sắp xếp lại hệ thống quản lý để làm sao đưa công ty họ đến điểm bền vững hơn.
Nhà sáng lập kiêm cựu CEO Nadiem Makarim của Gojek cũng dời công ty này để trở thành Bộ trưởng bộ giáo dục Indonesia. Thay thế anh là đồng sáng lập Kevin Aluwi và chủ tịch Andre Seolistyo.
Tháng 10, Aluwi trả lời phỏng vấn nói rằng Gojek đang đi từ 1 startup thành một công ty bền vững. Anh cùng đồng CEO sẽ mang lại "cách tiếp cận có chừng mực hơn" để điều hành công ty.
Mặc dù Aluwi vẫn xem Gojek "là công ty hướng tới tăng trưởng" nhưng sẽ "có nhiều biện pháp để thật sự tập trung vào những điều đúng đắn so với việc có quá nhiều thử nghiệm vào mọi thứ như hiện tại".
Vân Đàm (Theo Nikkei)