Một tên lửa phóng đi nhằm vào căn cứ không quân al-Asad của Mỹ ở Iraq. Ảnh: Sima News.
Sơ tán gần 8 tiếng trước
Reuters dẫn nguồn tin từ 2 nhân viên Iraq đồn trú tại căn cứ Mỹ nói rằng, gần 8 tiếng trước cuộc tấn công tên lửa của Iran rạng sáng 8/1 nhằm vào các căn cứ Mỹ ở Iraq, các binh sỹ của Mỹ và Iraq ở căn cứ không quân Ain al-Asad đã “rục rịch” chuyển người và vũ khí xuống các hầm trú ẩn kiên cố.
Đến nửa đêm, chẳng còn một chiếc tiêm kích hay trực thăng nào còn ở ngoài, một trong số 2 nguồn tin là nhân viên tình báo cho biết. Nguồn tin tình báo còn lại nói rằng lính Mỹ dường như đã biết trước thời điểm cuộc tấn công và nói rằng họ dường như “hoàn toàn được cảnh báo” rằng căn cứ sẽ bị tấn công “sau nửa đêm”.
Khi những quả tên lửa rơi xuống căn cứ vào lúc 1h30 sáng 8/1, chúng chỉ đánh vào “những boongke trống không đã được sơ tán từ nhiều giờ trước”, nguồn tin tình báo nói. Không một ai thiệt mạng hay thậm chí dù chỉ bị thương.
Những thông tin này làm gia tăng bằng chứng rằng cuộc tấn công của Iran là được giữ bí mật “một cách tồi tệ nhất” trong tác chiến hiện đại – nhưng lý do vì sao vẫn là điều bí ẩn sau nhiều ngày với những tuyên bố trái ngược từ giới chức Iran, Iraq và Mỹ.
Sau khi tên lửa nã xuống, một số hãng truyền thông lớn của Mỹ dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng cuộc tấn công dường như chẳng hơn gì một phát súng cảnh báo, cho phép Iran làm hài lòng những lời kêu gọi trả thù từ trong nước sau cuộc không kích của Mỹ ngày 3/1 giết chết tướng Qasam Soleimani mà không làm khiêu khích thêm các cuộc tấn công từ Mỹ.
Một số hãng dẫn các nguồn tin từ Mỹ và Arab nói rằng Iran đã cảnh báo Iraq trước cuộc tấn công và Iraq đã chuyển thông tin này cho Mỹ.
Tuy nhiên, đến hôm 10/1 vừa qua, các quan chức hàng đầu của Mỹ đã bác bỏ thông tin này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với báo giới rằng ngày hôm đó, Iran chắc chắn đã có “ý định” gây thương vong cho các công dân Mỹ. Điều này tương tự bình luận trước đó của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley rằng, chính tình báo Mỹ - chứ không phải những lời cảnh báo hay rò rỉ thông tin từ Iran – đã phát hiện khả năng cuộc tấn công và giúp lính Mỹ tránh khỏi thương vong.
Ai đã truyền tin cảnh báo?
Sự “lẫn lộn” về ý định của Iran khiến điều đó càng trở nên khó phán đoán thái độ thực sự của nước này về các cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào lực lượng Mỹ hoặc một cuộc chiến tranh tổng lực. Một loạt tuyên bố trái ngược từ các quan chức Iran chỉ càng làm mọi thứ trở nên không rõ ràng. Thậm chí truyền hình nhà nước Iran còn đăng tin sai rằng cuộc tấn công đã khiến hàng chục lính Mỹ thiệt mạng và Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố rằng, như vậy vẫn chưa đủ về một sự trừng phạt. Ngoại trưởng Mohammed Javad Zarif ngay sau đó đã đăng tải trên Twitter rằng Iran đã “kết thúc” sự đáp trả và “không muốn tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh”.
Truyền thông nhà nước Iran sau đó dẫn lời Tướng Amir Ali Hajizadeh, người đứng đầu Lực lượng không quân của Vệ binh cách mạng Iran nói rằng “Chúng tôi không có ý định làm ai thiệt mạng. Chúng tôi chỉ có ý định đánh trúng các cỗ máy chiến tranh của kẻ thù”. Sau đó ông Hajizadeh cũng nhắc lại tuyên bố không chính xác rằng cuộc tấn công đã khiến các binh sỹ Mỹ thiệt mạng.
Một cố vấn của Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi nói với Reuters rằng Iran đã không thông báo trực tiếp với Iraq cho tới trước khi xảy ra cuộc tấn công – nhưng Iran đã chuyển những lời cảnh báo thông qua các nước khác. Cố vấn này còn cho biết, một nước Arab và một nước châu Âu đã cảnh báo trước cho Iraq và Mỹ về cuộc tấn công sắp diễn ra. Tuy nhiên cố vấn này từ chối nêu tên cụ thể những nước “truyền tin”.
Vậy ai đã cảnh báo cho những nước “truyền tin”?
“Chính là Iran. Iran muốn cả Mỹ và Iraq đều được cảnh báo về cuộc tấn công trước khi nó diễn ra”, vị cố vấn cho biết.
Tuy nhiên, Reuters cho biết họ không thể xác minh tuyên bố của vị cố vấn này.
Bộ Ngoại giao Iran, phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York từ chối bình luận. Văn phòng Thủ tướng Iraq và người phát ngôn của quân đội Iraq không phản hồi đề nghị xác minh từ Reuters.
Nhà Trắng cũng từ chối lên tiếng.
Tên lửa Iran nã vào “vườn không nhà trống”
Theo quân đội Iraq, Iran đã phóng ít nhất 22 quả tên lửa vào căn cứ Ain al-Asad và một căn cứ khác gần thành phố Erbil có đông người Kurd sinh sống và có binh sỹ Mỹ đồn trú. Việc cảnh báo trước đã chứng minh tầm quan trọng đối với việc chuẩn bị để tránh mọi thương vong.
Tại căn cứ Ain al-Asad ở sa mạc Anbar phía Tây Iraq ngày 13/1, các nhóm Không quân và Lục quân Mỹ đã dọn dẹp các mảnh kim loại và bê tông đổ nát từ sân bay và xung quanh các boongke.
Theo các binh sỹ Mỹ, một quả tên lửa hành trình đã đánh trúng hơn 10 bức tường bê tông kiên cố và phá hủy các container vận chuyển hàng hóa được sử dụng như không gian sống của các binh sỹ Mỹ.
Một quả tên lửa khác đã phá hủy 2 nhà chứa máy bay sử dụng cho trực thăng Blackhawk, một số văn phòng gần đó và gây ra cháy nhiên liệu kéo dài khoảng vài giờ.
“Tôi ở khoảng 60 mét cách chỗ quả tên lửa đánh trúng nơi đậu máy bay này. Đó là lần đầu tiên chúng tôi thực sự bị tên lửa đánh trúng. Thiệt hại là đáng kể”, hạ sỹ quan Tommie Caldwell của Không quân Mỹ cho biết.
Các nhân viên ở căn cứ Ain al-Asad cũng cho biết, rõ ràng là họ có thể bị tấn công vào lúc nửa đêm hôm đó. Hầu hết các nhân viên đều được sơ tán xuống boongke, các máy bay cũng được chuyển khỏi các nhà chứa và khu vực sửa chữa.
“Tôi nhận được thông tin sắp xảy ra một cuộc tấn công tên lửa và nó sẽ diễn ra ở Ain al-Asad. Chúng tôi đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. 10 ngày trước đó chúng tôi cũng đã diễn tập tình huống tấn công tương tự”, Trung tá Antionette Chase của Lục quân Mỹ cho biết.
Các binh sỹ trong liên minh quốc tế tại Iraq cũng nói rằng cuộc tấn công không nhằm vào họ là một bằng chứng cho thấy sự kiềm chế của Iran.
Tuy nhiên, một quan chức Không quân Mỹ nói rằng: “Nếu anh phóng tên lửa vào một căn cứ không quân có duy trì các máy bay 24/7, anh có thể sẽ làm chết người”./.
Hoàng Phạm