Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán mới có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.
Theo đó, Luật mới đã nâng điều kiện trở thành công ty đại chúng từ mức vốn điều lệ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông.
Luật mới cũng đồng thời làm mới quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng, nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, qua đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Về phía nhà đầu tư, lần đầu tiên Luật Chứng khoán định danh nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong đó, các cá nhân có giá trị danh mục từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ được xếp vào khối nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Luật mới cũng quy định về việc hành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Luật bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin có liên quan để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm; nâng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Điểm được các thành viên thị trường trông đợi là mở rộng không gian đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài chưa được quy định cụ thể trong luật, mà chỉ có nội dung giao Chính phủ hướng dẫn.
Sự kiện nổi bật thứ 2 được bình chọn là Phê duyệt Đề án cơ cấu lại TTCK Việt Nam
Theo Quyết định số 242 ngày 28/2/2019 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, Chỉnh phủ đặt mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN6.
Đồng thời, trước năm 2025, nâng hạng TTCK Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.
Riêng với khối ngân hàng thương mại, Đề án của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Tính đến ngày 19/12, ngoài 18 ngân hàng đã có mặt trên các sàn chứng khoán chính thức, còn khá nhiều ngân hàng vẫn ngoài sàn. Một số ngân hàng khác, mặc dù có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn từ lâu, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện.
8 sự kiện chứng khoán tiêu biểu tiếp theo được bình chọn là: Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, trái phiếu chính phủ tiến triển tích cực; Quỹ ETF nội cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại; Vốn ngoại gây ấn tượng với các thương vụ mua lớn; Cú sốc FTM (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân) và rủi ro trong hoạt động cầm cố cổ phiếu; Xử phạt Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; Ra mắt Chứng quyền có bảo đảm (CW) sau bảy năm “thai nghén”; Thanh khoản thị trường năm 2019 thấp hơn kỳ vọng; Lần đầu tiên bỏ phí sàn môi giới chứng khoán, làm thay đổi cục diện cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán…
Nhận xét về 10 sự kiện chứng khoán nổi bật được SJC bình chọn, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng đánh giá SJC ”đã làm việc cực kỳ nghiêm túc và chất lượng”
Được biết, đây là năm thứ 11, SJC tổ chức bình chọn và công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2019. Sự kiện có sự tham dự của Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng và các đại diện tới từ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính…
Thanh Thanh