Xu hướng từ thị trường chứng khoán Mỹ cho đến Việt Nam
Cách đây 6 năm, Robinhood đã đi tiên phong trong ý tưởng giao dịch chứng khoán không thu phí. Theo các chuyên gia về chứng khoán, chính sách của Robinhood là một sự đột phá mạnh mẽ, nhưng không đủ để trở thành một xu hướng sẽ thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp đầu tư.
Họ cho rằng, điểm mạnh nhất của Robinhood là nền tảng giao dịch trực tuyến dễ sử dụng, tích hợp nhiều giá trị về giáo dục, nghiên cứu thị trường chứ không phải vấn đề miễn phí giao dịch.
Cho đến nay, việc các công ty chứng khoán lớn nhỏ tại thị trường Mỹ như Schwab, TD Ameritrade, E-Trading, Fidelity, Bank of America… đồng loạt tuyên bố loại bỏ phí cho tất cả các giao dịch chứng khoán trên nền tảng trực tuyến của họ đã khiến nhiều nhà đầu tư và các chuyên gia trong ngành ngạc nhiên.
Đặc biệt hơn, việc đưa phí giao dịch về không được công bố liên tiếp chỉ trong vòng một tuần đầu tháng 10 năm 2019, cho thấy sự quyết liệt của các công ty chứng khoán Mỹ.
Có thể nói, khi nhắc đến phí giao dịch chứng khoán tại Mỹ, số 0 trở thành một chuẩn mực hoàn toàn mới.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng nhận định rằng, trước sau gì thị trường chứng khoán nước nhà cũng sẽ giống thị trường chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của xu hướng miễn phí giao dịch đang diễn ra nhanh và mạnh hơn những dự đoán rất nhiều.
Làm thế nào các CTCK đủ khả năng làm điều này?
Đầu tiên phải kể đến, việc miễn phí giao dịch giúp các CTCK giữ chân được khách hàng cũ và thu hút một lượng lớn khách hàng mới.
Để bù cho việc mất đi nguồn thu từ phí, những công ty chứng khoán thực hiện chính sách “zero fee” kỳ vọng họ sẽ thu được tiền lãi vay của khoản vay ký quỹ khi nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư được kích thích.
Liên quan trực tiếp đến giao dịch, nhiều công ty chứng khoán đang giảm mạnh phí hoặc miễn phí trong một thời gian ngắn giống như chính sách mà các ứng dụng của nền kinh tế chia sẻ “sharing economy” như Grab đang áp dụng để đổi lấy những dòng lệnh từ nhà đầu tư.
Tuy nhiên, có công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình Fintech, không nhân viên môi giới đã định hướng ngay từ đầu không thu phí đối với nhà đầu tư.
Miễn phí giao dịch có ý nghĩa thế nào với nhà đầu tư
Sự xuất hiện của chính sách miễn phí giao dịch là một chiến thắng cho nhà đầu tư, đối với cả những nhà đầu tư mới với số vốn thấp hay nhà đầu tư lâu năm.
Trên thị trường hiện nay, mức phí giao dịch phổ biến ở mức 0,15% cho đến 0,35%. Một số công ty đang áp dụng phí cho giao dịch trực tuyến thấp hơn so với giao dịch tại quầy hay qua điện thoại cần phải có nhân viên nhập lệnh.
Lấy ví dụ, khi thực hiện lệnh mua cổ phiếu và sau đó bán đi ở mức khoảng 100 triệu đồng, tổng lượng phí mà nhà đầu tư phải trả cho 2 chiều giao dịch này là 300.000 - 700.000 đồng. Đối với những nhà đầu tư giao dịch hàng ngày, sử dụng đòn bẩy margin, chi phí có thể lên tới vài chục triệu một tháng là chuyện bình thường.
Tương tự đối với những nhà đầu tư theo danh mục, nhờ miễn phí giao dịch, họ có tái cân bằng danh mục mà không tính toán nhiều đến khoản chênh lệch mất đi do phí giao dịch.
Lưu ý cho những “chứng sỹ”
Mặc dù việc miễn phí giao dịch là một chiến thắng cho nhà đầu tư nói chung, các nhà đầu tư vẫn cần lưu ý một số điểm.
Khi giao dịch chứng khoán, các “chứng sỹ” vẫn sẽ phải trả phần phí cho Sở Giao dịch Chứng khoán (0,02 đến 0,03%) và thuế vì đây là các khoản bắt buộc do Sở yêu cầu. Đây cũng là lưu ý mà các công ty chứng khoán đang lưu ý khách hàng để tránh bị hiểu lầm.
Ngoài ra, khi việc mua bán cổ phiếu không còn phải trả phí, nhiều nhà đầu tư bị cám dỗ dẫn đến giao dịch quá mức. Lời khuyên của các chuyên gia tài chính là hãy giữ sự tập trung trong chiến lược đầu tư và chỉ tận dụng việc miễn phí giao dịch để tối đa hóa lợi nhuận của mình.
“Quả bom nhiệt hạch” thả xuống mảng môi giới chứng khoán
Việc lựa chọn công ty chứng khoán cũng rất quan trọng. Ngoài chi phí, các tiêu chí khác mà nhà đầu tư cần xem xét là yếu tố công nghệ, tốc độ giao dịch, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng.
Trong tương lai, miễn phí giao dịch chứng khoán sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh vô cùng gắt gao giữ các công ty chứng khoán Việt Nam. Thị phần các công ty được dự đoán sẽ có thay đổi không nhỏ trong năm 2020.
Viết Hải