“Giai đoạn 2013 - 2017, mức thuế thất thu trong thuế thu nhập doanh nghiệp có xu hướng tăng, bình quân mỗi năm trong giai đoạn này ước vào khoảng 15.600 - 20.700 tỷ đồng”.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Tổ chức Oxfam cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với việc doanh nghiệp gia tăng hoạt động trốn thuế, tránh thuế vì chính sách chưa theo kịp thực tế.
Tại Hội thảo "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) diễn ra sáng nay (28/4), các chuyên gia tham dự đều khẳng định, cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều có động cơ trốn thuế như nhau.
Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2018, công tác thanh tra kiểm tra của ngành thuế đã phát hiện hàng chục nghìn doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền thuế lên tới nhiều nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, hiện tượng trốn và tránh thuế có xu hướng ngày càng gia tăng.
Hiện tượng vi phạm thuế không chỉ diễn ra ở các tập đoàn đa quốc gia, mà còn ở cả các doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân trong nước; không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp quy mô lớn mà còn ở cả các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Theo Viện VEPR, dù Việt Nam đã nỗ lực củng cố hành lang pháp lý về quản lý thuế nhưng khung pháp lý hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, và chưa theo kịp với thực tế diễn biến nhanh và phức tạp.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt sử dụng tới khoảng 28,6% và 9,5% tổng số lao động trong giai đoạn 2013 – 2017. Nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định, khu vực FDI là những doanh nghiệp thâm dụng lao động. Còn doanh nghiệp Nhà nước là những doanh nghiệp thâm dụng vốn.
Trong giai đoạn 2013 – 2017, mức thuế thất thu, cả về giá trị và tỷ trọng trong thuế thu nhập doanh nghiệp, đang có xu hướng tăng kể từ năm 2014. Mức thuế thất thu do hành vi trốn và tránh thuế mỗi năm trong giai đoạn này ước vào khoảng 15.600 – 20.700 tỷ đồng (tương ứng 7,5 – 9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp.
T.S Nguyễn Hoàng Oanh, Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trốn tránh thuế là hiện tượng phổ biến trong các nền kinh tế. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đa quốc gia có cơ hội thuận lợi nhất để lẩn tránh thuế, họ thành lập rất nhiều chi nhánh ở nước ngoài, chuyển lợi nhuận ở nơi có mức thuế suất cao sang mức thuế suất thấp.
T.S Nguyễn Đức Thành, Cố vấn cao cấp của VEPR cho rằng: Để chống chuyển gia, trốn thuế, Việt Nam đang có xu hướng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để cạnh tranh đối với các quốc gia khác trong khu vực.
"Việc giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp có thể khiến Việt Nam phải bước vào cuộc cạnh tranh, theo đuổi các nước khác và có thể sẽ xuất hiện cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp giữa các nước ASEAN. Tôi hy vọng, Việt Nam có quy mô kinh tế lớn hơn, cần có hướng đi vào chiến lược hơn, bài bản hơn", ông Thành cho biết.