Kênh truyền hình NRK của Na Uy đưa tin, Mỹ sẽ rút 3.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận sắp tới mang tên “Cold Response” được tổ chức tại Na Uy từ ngày 2 – 18/3.
Ông Ivar Moen, phát ngôn viên báo chí của quân đội Na Uy cho hay, quân đội Mỹ sẽ rút khỏi cuộc tập trận quốc tế hàng năm vốn được tổ chức từ năm 2006.
Cũng theo ông Moen, quyết định rút 3.000 binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận “Cold Response” là nhằm đối phó với tình hình căng thẳng ở Trung Đông hiện nay. Cụ thể, sau cái chết của Tướng Qasem Soleimani, Chỉ huy Lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), người bị Mỹ giết hại trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1, căng thẳng Mỹ - Iran đã leo thang tới đỉnh điểm. Để trả thù cho cái chết của Tướng Soleimani, quân đội Iran đã cho phóng loạt tên lửa tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq vào ngày 8/1.
Sau khi quân đội Mỹ rút lui, số binh sĩ tham vào cuộc tập trận “Cold Response” sẽ giảm xuống còn khoảng 16.000 người. Đây là số lượng trung bình binh sĩ tham gia cuộc diễn tập “Cold Response” trong những năm gần đây. Theo quân đội Na Uy, việc Mỹ rút lui không ảnh hưởng tới quy mô cuộc tập trận và chương trình tập trận vẫn diễn ra theo kế hoạch.
“Cuộc họp về kế hoạch tổ chức tập trận sẽ được tiến hành vào tuần tới. Chúng tôi sẽ thảo luận về những điều chỉnh cần thiết sau khi Mỹ rút binh sĩ tham gia tập trận”, ông Moen chia sẻ với tờ quân sự Forsvarets Forum và nhấn mạnh số lượng binh sĩ tham gia có thể tăng hoặc giảm.
Cuộc tập trận “Cold Response” được tổ chức ở phía bắc Na Uy từ khu vực Narvik tới Finnmark, nhưng chủ yếu là tập trung ở hạt Troms.
Cuộc tập trận được xem là cơ hội huấn luyện quan trọng đối với hoạt động triển khai binh sĩ trong điều kiện thời tiết mùa đông và nhiều tuyết. Ngoài binh sĩ Na Uy, cuộc tập trận sẽ còn có sự tham gia của quân đội Anh, Hà Lan, Đức, pháp, Bỉ, Đan Mạch, Latvia, Phần lan và Thụy Điển.
Hồi đầu tuần này, tờ Washington Post cho hay Mỹ đã đe dọa áp đặt 25% thuế đối với mặt hàng ô tô của các nước châu Âu bao gồm Đức, Pháp và Anh nếu như ba nước này phản đối lệnh trừng phạt chống lại Tehran và kích hoạt cơ chế tranh chấp nằm trong thỏa thuận hạt nhân mang tên “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” (JCPOA) từng được Iran ký kết với nhóm P5+1 gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức vào năm 2015.