Người tiêu dùng Mỹ “gom hàng” trong ngày “đại hạ giá” Black Friday. Ảnh: Timeline.
Những điểm sáng… “chưa thuyết phục”
Trung tuần tháng 12, một tín hiệu được cho là “lóe sáng” khi Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu xuống thang trong cuộc chiến thương mại kéo dài. Cùng đó, việc Thủ tướng Anh Boris Johnson thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày 12/12 dẫn tới “một Brexit trọn vẹn”- khi nước Anh dời khỏi Liên minh châu Âu (EU)- cũng được coi là tín hiệu tốt cho kinh tế thế giới- ít ra là đối với châu Âu.
Tuy nhiên, những điểm sáng đó “chưa thuyết phục” được giới nghiên cứu kinh tế. Tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới năm 2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3%, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Có nghĩa là năm 2020 vẫn sẽ nhọc nhằn chặn đà suy giảm trước đó. Sự “bật tăng” là khó khăn, cho dù theo IMF cũng có những chỉ dấu cho thấy kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 3,4% trong năm 2020.
Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) cũng đưa ra nhận xét tăng trưởng GDP toàn cầu (không kể EU) sẽ giảm mạnh từ mức 3,8% trong năm ngoái xuống còn 3,2% năm nay. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới xuống 2,9% trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái toàn cầu cách đây tròn 10 năm. Nhà kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone thậm chí còn cho rằng thế giới đang trải qua một giai đoạn “đáng lo ngại”.
Như vậy, các thách thức phạm vi toàn cầu đã đặt nền kinh tế thế giới vào tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định. Đáng chú ý, theo các chuyên gia WTO, dự báo tăng trưởng năm 2020 là 2,7%, giảm so với mức 3% họ dự báo trước đó.
Về nguyên nhân, giới chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó nổi bật là mối e ngại thương chiến Mỹ -Trung chưa thể có kết quả sau những thỏa thuận đạt được ở những mức độ khác nhau. Vì rằng, trên thực tế, 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã tác động đến thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Người ta cũng lo ngại sự kiện bầu cử ở Mỹ (tháng 11/2020) sẽ có những bất ngờ, tác động tới chính sách kinh tế của quốc gia này, từ đó ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế lớn khác.
Hy vọng phía trước
Tuy nhiên, giới phân tích cũng đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020, với các kịch bản. Trước hết, cuộc thương chiến Mỹ - Trung được kiểm soát sẽ giúp thúc đẩy triển vọng kinh tế toàn cầu. Sự “đình chiến” để chuẩn bị cho cuộc đấu mới rất có thể diễn ra, xuất phát từ nội tình nước Mỹ. Kế đó, việc nước Anh “êm ả” dời khỏi EU - nếu có - cũng sẽ tác động tích cực tới kinh tế châu Âu và nước Anh. Khi “luật chơi mới” được EU và nước Anh xác định rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho thị trường chung.
Một dự báo khác cũng cho rằng, trong năm 2020, kinh tế Nga, Ấn Độ, Brazin cũng sẽ có thể bứt phá. Nói như chuyên gia kinh tế IMF thì “họ đã chuẩn bị đủ lực từ những năm trước và cũng đã rút ra được kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”.
Còn theo The Conference Board, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ gồm các chuyên gia nghiên cứu và tư vấn về các vấn đề kinh tế, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2020 do sản xuất công nghiệp sẽ thoát khỏi đình trệ. Những thị trường mới nổi sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này khi giá nhiên liệu và hàng hóa nói chung tăng và thị trường tiền tệ ổn định hơn. Ông Ataman Ozyidirim- Giám đốc nghiên cứu về các chu trình kinh doanh và tăng trưởng của The Conference Board cho rằng, trong năm 2020, sức tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục tăng, niềm tin kinh doanh cũng sẽ phục hồi, khi sản xuất công nghiệp tăng và căng thẳng thương mại giảm.
Thế Tuấn (Theo Reuters, Politico)