Trước đây, ứng dụng mobile banking của các ngân hàng chỉ xoay quanh các giao dịch tài chính như truy vấn số dư, chuyển khoản, gửi tiết kiệm và gần đây có thể thêm vay vốn... Nay các nhà băng không ngừng đổ tiền để nâng cấp app, bổ sung nhiều tính năng có trải nghiệm giống ví điện tử và thậm chí "nhúng" cả các dịch vụ "phi tài chính" khác như du lịch, giáo dục, sức khỏe...
Chia sẻ với VnExpress, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng đây là một trong các chiến lược xây dựng ngân hàng số trong bối cảnh các khách hàng ngày nay phần lớn giao dịch trên nền tảng online và với một chiếc điện thoại.
Ông dẫn ví dụ về sự thành công của DBS (ngân hàng ở Singapore) khi phát triển một ứng dụng đa chức năng và thu hút được nhiều người dùng. Từ một ngân hàng có điểm số hài lòng thấp nhất ở Singapore, DBS trở thành nhà băng có độ hài lòng cao nhất ở Singapore và là ngân hàng tốt nhất trên thế giới (theo bình chọn của Euromoney) nhờ chuyển đổi số. DBS đi đầu trong công cuộc này khi phát triển dịch vụ ngân hàng hoàn toàn tập trung vào thiết bị di động, không có bất kỳ chi nhánh và biến ngân hàng trở thành "vô hình".
Giám đốc ngân hàng số VietinBank, ông Nguyễn Công Quỳnh Lân cho biết, đây là bước đi đầu tiên để phát triển hệ sinh thái của ứng dụng. Không chỉ cung cấp các tính năng thông thường như chuyển khoản, tiết kiệm, sau Money Lover, VnPay, VietinBank có thể cho phép "nhúng" nhiều giải pháp hơn để cung cấp các dịch vụ đời sống như quản lý tài chính, giáo dục, du lịch, sức khoẻ... cho khách hàng trên duy nhất một ứng dụng.Đây cũng là cách làm của VietinBank mới đây khi vừa hợp tác với dịch vụ quản lý tài chính Money Lover và thanh toán VnPay và cho phép tích hợp tính năng của các Fintech này vào phiên bản ứng dụng ebank trên mobile (iPay).
Nhiều ngân hàng như BIDV, VPBank, VIB, ACB... đã và đang hợp tác với các bên để tích hợp nhiều tiện ích liên quan đến đời sống như thanh toán offline qua QR Pay, mua sắm, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, ưu đãi đổi quà tặng... vào ứng dụng di động. Điển hình là hợp tác giữa hàng loạt nhà băng với VnPay gần đây đã làm nên một làn sóng bùng nổ thanh toán QR Code.
Giám đốc ngân hàng số của BIDV, ông Nguyễn Chiến Thắng thừa nhận, chính Fintech và ví điện tử là động lực khiến cho các ngân hàng thay đổi mạnh mẽ đến vậy. Ngoài các chức năng thanh toán hoá đơn, học phí, ứng dụng di động của BIDV cũng cho phép người dùng có thể mua sắm, đặt vé xem phim, đặt phòng hay mua vé xe...
Còn theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Fintech thật sự năng động và có góc nhìn rất khác về trải nghiệm người dùng, đặc biệt họ ứng dụng công nghệ rất nhanh. Trong khi đó, ngân hàng có thế mạnh về mạng lưới, uy tín, được phép cung cấp dịch vụ tài chính đặc thù. Ông Lân cho biết, VietinBank thậm chí còn có kế hoạch hợp tác để tích hợp mobile money vào ứng dụng ngân hàng. Nhờ có thế mạnh mạng lưới dày đặc, đơn vị viễn thông sẽ cung cấp dịch vụ thanh toán cho người chưa có tài khoản.
"Đó là bước đệm để họ sử dụng các dịch vụ đặc thù chỉ ngân hàng được phép cung cấp như gửi tiền, cho vay... Nói cách khác, đơn vị viễn thông sẽ trở thành đối tác mang về người dùng cho ngân hàng. Đó là cái bắt tay đôi bên cùng có lợi", ông Lân nói.
Quỳnh Trang