Số liệu trên được ông Nguyễn Triết - Tổng thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết. Ông cũng nói thêm, chỉ 1% hàng nhập lậu bị bắt giữ, xử lý sau khi vào nội địa. Ngoài ra, theo số liệu của Hiệp hội này, 5 năm qua, bình quân mỗi năm hơn 700 triệu bao thuốc lá nhập lậu qua các tuyến biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Long An là một trong số địa bàn "nóng" của nạn thuốc lá lậu. Số vụ bắt giữ có giảm so với năm trước, song từ đầu năm đến nay vẫn có gần 900 vụ. Ông Phạm Đức Chinh - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho biết, do tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát thiếu chặt chẽ trong khi hành vi buôn thuốc lậu ngày càng tinh vi.
"Các đối tượng hoạt động chủ yếu vào ban đêm, sử dụng ma túy đá khi điều khiển phương tiện. Bị lực lượng chức năng bắt giữ, số này thường rất manh động, chống đối để tẩu táng tang vật", ông Chinh nêu.
Chế tài xử lý hành vi buôn lậu còn nhẹ, việc tiêu huỷ mặt hàng này lại khó khăn. Theo quy định hiện hành, muốn tiêu huỷ thuốc lá lậu, cơ quan chức năng phải giám định chất lượng, nhưng hiện chưa có cơ quan nào kiểm định. Vướng mắc này khiến số thuốc ngoại có quyết định tịch thu (đạt chất lượng) vẫn không bán được. Còn số hàng không đạt chất lượng không thể tiêu huỷ.
Vì thế, quản lý thị trường các địa phương kiến nghị Chính phủ cho tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, tránh việc tái xuất gây thẩm lậu ngược vào thị trường. Cùng đó, có cơ chế hỗ trợ các lực lượng tham gia chống buôn lậu và tăng cường chế tài xử phạt răn đe tội phạm.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu giải pháp xử lý lượng thuốc lá nhập lậu, trong đó có việc tăng mức phạt hành chính như đề xuất của quản lý thị trường trong dự thảo sửa đổi Nghị định 185.