Theo đánh giá của các chuyên gia, dòng vốn FDI năm 2020 sẽ tích cực hơn so với năm 2019.
Nguồn vốn từ FDI tăng do số lượng dự án đầu tư năm 2019 sẽ được giải ngân trong năm 2020. Chính vì vậy, thanh khoản ngoại tệ năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì và điều tiết tỷ giá ổn định tương tự như năm 2019. Đây là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm nay.
Tính tới 15/12/2019, tỷ giá giao dịch trên thị trường ngân hàng và thị trường tự do không thay đổi trong khi tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,8% và cân bằng lại với tỷ giá giao dịch trên thị trường. Nhìn lại đường đi của tỷ giá trung tâm trong năm 2019, đan xen các đợt điều chỉnh tăng là những lần đi ngang khi tỷ giá giao dịch trên thị trường "nổi sóng". Điều này cho thấy, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ khá tốt để ổn định tâm lý thị trường.
Ngoài ra, trong năm 2019, tổng lượng cung ngoại hối duy trì ổn định cũng là điểm nhấn chính giúp điều tiết tỷ giá cũng như tăng dự trữ ngoại hối lên trên 73 tỷ USD. Trong khi đó, lượng tiền kiều hối ước đạt 16 tỷ USD, dòng vốn FDI giải ngân đạt 20 tỷ USD, tăng trưởng 8%/năm. Theo ghi nhận của nhiều chuyên gia, lượng vốn FDI đầu tư mới và tăng thêm trong năm 2019 giảm 11% so với năm 2018, tuy nhiên trong năm 2020, nguồn cung ứng ngoại tệ từ dòng vốn FDI vẫn sẽ tích cực vì số lượng dự án đầu tư có thể giải ngân ngay trong năm.
Nhìn lại giai đoạn 2017-2018, dòng vốn FDI đăng ký có sự đóng góp từ các dự án tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng và bất động sản, tuy nhiên dòng vốn giải ngân bị chậm. Điển hình năm 2017, các dự án nhiệt điện tỷ USD hầu như đều chậm trong tiến độ giải ngân do quá trình huy động vốn và đánh giá tác động môi trường. Ví dụ như dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 được Sumitomo đề xuất đầu tư từ 2006, được cấp chứng nhận đầu tư cuối năm 2017, được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường phê duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường và kỳ vọng sớm có thể khởi công trong nửa cuối năm 2019. Tuy nhiên, trong năm 2019, mặc dù vắng bóng hẳn các dự án tỷ USD nhưng số lượng các dự án có quy mô tầm trung, từ 100-500 triệu USD và tập trung vào hoạt động chế biến chế tạo tăng đáng kể.
Tại Đồng bằng sông Hồng, số lượng dự án đăng ký mới tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương và Hà Nam tăng trưởng đột biến trên 20% so với năm trước và tập trung vào lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, điện tử. Tại khu vực Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An vẫn là nơi thu hút dòng vốn FDI đăng ký mới. Bên cạnh đó, sự phân bổ các dự án FDI trong năm 2019 khá rộng khi xuất hiện các dự án tầm trung tại Nghệ An, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang...
Do đó, các chuyên gia vẫn duy trì sự lạc quan vào triển vọng thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Bởi Việt Nam đang đa dạng hóa đối tác thương mại, ký kết thành công các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, khu vực tư nhân tại Việt Nam đang chủ động đầu tư nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Dựa trên thế mạnh hiện tại của Việt Nam và phân loại chuỗi giá trị sản xuất, các chuyên gia cho rằng các dự án đầu tư sẽ đến từ 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến và giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại và vật liệu xây dựng) và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử). Trong đó, nhóm cuối cùng chủ yếu dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Microsoft...
Tin, ảnh: Hải Yên