Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh là một nhân tố hàng đầu quyết định sự ổn định và an toàn tài chính doanh nghiệp
Tình trạng phá sản, khủng hoảng của một số tập đoàn, công ty trên thế giới (Tập đoàn năng lượng Enron, Tập đoàn Worldcom của Mỹ, Tập đoàn dầu mỏ của Nga, Tập đoàn Parmalat của Italia) đã gợi mở nhiều bài học cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh tài chính doanh nghiệp.
Trước hết, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh là một nhân tố hàng đầu quyết định sự ổn định và an toàn tài chính doanh nghiệp. Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, sự ổn định và an toàn của tài chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Song song với hiệu quả hoạt động kinh doanh thì các khoản nợ quá lớn có thể khiến doanh nghiệp mất khả năng chi trả, từ đó dẫn đến sự phá sản và khủng hoảng tài chính của các doanh nghiệp, các tập đoàn.
Năng lực lãnh đạo của các doanh nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân gây ra sự phá sản và khủng hoảng năng lực tài chính ở các tập đoàn thế giới nói chung và ở doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Việc để xảy ra những gian lận trong báo cáo tài chính và không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp nếu bị phát hiện, sẽ góp phần đẩy nhanh sự mất ổn định tài chính ở các doanh nghiệp, các tập đoàn.
Để đảm bảo an ninh tài chính trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến các yếu tố thay đổi khi Việt Nam hội nhập sâu và rộng hơn với khu vực và thế giới; Xây dựng doanh nghiệp trên nền tảng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Chú trọng đến việc đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp; Tăng cường xây dựng biện pháp phòng ngừa rủi ro và giám sát tài chính của các doanh nghiệp.
Với các mục tiêu đó, nhằm góp phần đảm bảo an ninh tài chính doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về an ninh tài chính doanh nghiệp cho các doanh nghiệp; Tăng cường hệ thống giám sát tài chính doanh nghiệp; Tăng cường quản lý rủi ro thông qua cơ chế trích lập quỹ dự phòng; Nâng cao năng lực tài chính và lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp..
Về phần các doanh nghiệp, cần nâng cao nhận thức về an ninh tài chính doanh nghiệp và đảm bảo an ninh tài chính doanh nghiệp cho lãnh đạo và nhân viên trong doanh nghiệp, định kỳ tổ chức các buổi thảo luận về an ninh tài chính doanh nghiệp.
Cần xây dựng chương trình quản lý an ninh tài chính doanh nghiệp; Xây dựng đội ngũ chuyên môn phụ trách quản lý an ninh tài chính doanh nghiệp. Theo đó, tùy đặc điểm của doanh nghiệp mà có thể xây dựng bộ phận này độc lập hoặc kết hợp với bộ phận kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại tài chính khi rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh: Mua bảo hiểm, trích lập quỹ dự phòng, sử dụng các công cụ phái sinh…
Hải An