Nhìn lại thế giới năm 2019: Cơn khủng hoảng của ''ông lớn'' Boeing

Nhìn lại thế giới năm 2019: Cơn khủng hoảng của ''ông lớn'' Boeing
Năm 2019, Boeing chịu nhiều tổn thất do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ Airbus và đặc biệt là sự cố dòng máy bay 737 MAX bị cấm bay sau hai tai nạn thảm khốc.

Máy bay Boeing 737 MAX 9 hạ cánh tại nhà máy của Boeing ở Seattle, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 

Năm 2019 có thể nói là một năm chồng chất khó khăn đối với Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ.

Sau khi dòng máy bay bán chạy 737 MAX của hãng bị cấm bay tạm thời, Boeing cũng chịu nhiều tổn thất do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, và sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ Airbus của châu Âu.

Dòng máy bay 737 MAX được Boeing giới thiệu vào tháng 5/2017, với thông tin quảng cáo rằng đây là loại máy bay "ngựa thồ" thế hệ mới với giá thành thấp, chi phí bảo dưỡng ít tốn kém.

Dòng phi cơ mới với nhiều cải tiến kỹ thuật đã ngay lập tức trở thành mẫu máy bay bán chạy nhất của Boeing sau khi được xuất xưởng.

Boeing 737 MAX có bốn phiên bản 7, 8 ,9, 10, khác nhau về số lượng hành khách, và được coi là dòng máy bay hiện đại của tập đoàn này để cạnh tranh với A320 NEO của đối thủ Airbus.

Có thể nói 737 MAX là sản phẩm chiến lược của Boeing trong 10 năm tới và hãng có tham vọng đưa dòng máy bay này chiếm tới 64% sản lượng vào năm 2032.

Thế nhưng, chưa đầy hai năm sau khi chính thức được bán ra thị trường, những chiếc 737 MAX đã liên tiếp gặp phải tai nạn.

Ngày 29/10/2018, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Indonesia Lion Air thực hiện lộ trình bay từ thủ đô Jakarta đến Pangkakpinang thuộc tỉnh Bangka Belitung đã lao xuống biển chỉ 13 phút sau khi cất cánh khiến toàn bộ 189 người đi trên máy bay thiệt mạng.

Gần 5 tháng sau đó, thảm kịch với dòng 737 MAX lặp lại khi chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã gặp nạn ngày 10/3/2019 khi đang trên hành trình từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến thủ đô Nairobi của Kenya.

Máy bay đã bị rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Bole, khiến toàn bộ 157 người gồm 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn bỏ mạng.

Hai thảm kịch trên không chỉ làm dấy lên nghi vấn về độ an toàn của dòng máy bay hiện đại nhất này, mà còn là đòn giáng mạnh vào uy tín hơn 100 năm của “người khổng lồ” trong lĩnh vực chế tạo máy bay, đẩy Boeing vào cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng.

Sau khi Cơ quan quản lý hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh tạm ngừng hoạt động đối với Boeing 737 MAX, hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã "cấm cửa" loại máy bay trên hoạt động trên không phận, nhiều hãng hàng không đã quay lưng hoặc "đắp chiếu" với dòng máy bay này.

Lệnh cấm bay đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh dòng máy bay 737 MAX của Boeing.

Nếu trong năm 2018, hãng này đã giao được 580 máy bay 737 MAX, thì trong giai đoạn từ tháng 1-9/2019, con số trên đã giảm xuống còn khoảng một nửa.

Trước khi vụ bê bối xảy ra, Boeing đã được các hãng hàng không đặt hàng tổng cộng khoảng 4.500 chiếc 737 MAX với trị giá gần 550 tỷ USD theo giá niêm yết (khoảng 121 triệu USD/chiếc).

Dù các cuộc điều tra đang được tiến hành, Boeing vẫn tiếp tục sản xuất các máy bay 737 MAX.

Kể từ khi lệnh "cấm bay" được đưa ra vào tháng 3/2019, khoảng 400 chiếc 737 MAX đã được "xuất xưởng," mặc dù Boeing đã giảm mức sản xuất xuống còn 42 chiếc/tháng.

Song những chiếc máy bay này không thể được bàn giao cho các hãng hàng không cho đến khi chúng được chứng nhận đủ an toàn để bay, đồng nghĩa là chúng đang "chất đống" tại nhà máy Boeing và các kho chứa.


Thay thế linh kiện bị nứt trên thân máy bay Boeing 737NG của hãng hàng không Korean Air tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/11/2019. (Ảnh: Yonhap/ TTXVN)


Trong bối cảnh như vậy, Boeing hồi giữa tháng 12 vừa qua đã phải ra quyết định ngừng sản xuất máy bay 737 MAX từ tháng 1/2020. Ngay sau quyết định đó, giá cổ phiếu của Boeing giảm tới hơn 5%.

Theo ông Michael Feroli, nhà kinh tế hàng đầu của JP Morgan, việc ngừng sản xuất dây chuyền lắp ráp đã hoạt động trong hơn 20 năm qua của Boeing sẽ làm giảm 0,5% điểm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2020.

Mặc dù Boeing thông báo sẽ không sa thải bất kỳ ai trong số đội ngũ 12.000 nhân viên thuộc dây chuyền sản xuất dòng máy bay 737, song các nhà cung ứng cho Boeing có thể không giữ được tất cả nhân viên, và điều này có thể tác động tới số lượng việc làm ở Mỹ hoặc chi tiêu của người tiêu dùng cũng như GDP.

Tuy nhiên, theo ông Feroli, việc nối lại hoạt động sản xuất dòng máy bay này vào bất kỳ thời điểm nào có thể thúc đẩy GDP tăng trở lại.

Giới phân tích nhận định Tập đoàn Boeing có ảnh hưởng đặc biệt đối với nền kinh tế Mỹ vì đây là nhà xuất khẩu hàng hóa Mỹ lớn nhất, tác động mạnh nhất tới chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số chứng khoán của 30 tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Mỹ, được xem như thước đo "sức khỏe" nền kinh tế.

Kể từ khi dòng máy bay thương mại Boeing 737 MAX bị cấm hoạt động trên toàn cầu từ tháng 3/2019, một loạt dữ liệu kinh tế chủ chốt của Mỹ như đơn đặt hàng lâu dài và doanh số xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Kim ngạch xuất khẩu máy bay từ tháng 3 đến tháng 10/2019 đã giảm 5,5 tỷ USD so với mức cùng kỳ năm ngoái, làm giảm sút hơn nữa tăng trưởng kinh tế quốc dân vốn đã bị ảnh hưởng do doanh số bán hàng ở nước ngoài sụt giảm.

Hiện tại Boeing vẫn đang trong quá trình xử lý các lỗi kỹ thuật của 737 MAX và cuộc điều tra của FAA tiến hành sẽ còn kéo dài tới năm 2020.

Theo các quan chức Mỹ, dự kiến FAA sẽ không thông qua việc chấp thuận cho 737 MAX bay trở lại ít nhất cho đến tháng Hai năm tới hoặc thậm chí có thể trì hoãn sang tháng Ba.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý hàng không khác trên thế giới, trong đó có châu Âu và Trung Quốc, cho biết việc cấp phép hoạt động trở lại cho máy bay 737 MAX có thể còn kéo dài hơn.

Hiện nay, một số hãng hàng không đang lên lịch đưa 737 MAX trở lại khai thác từ tháng 3/2020, nhưng không có gì đảm bảo các cơ quan an toàn bay của nhiều quốc gia sẽ chấp thuận điều này.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Boeing chịu thiệt hại ước tính lên tới 9 tỷ USD liên quan đến các sự cố của 737 MAX cũng có một phần trách nhiệm của FAA.

Cho dù FAA luôn khẳng định họ đã làm đúng quy trình tiêu chuẩn khi cấp phép bay cho dòng máy bay Boeing 737 MAX, nhưng rõ ràng việc cấp phép này được tiến hành một cách vội vã khi Boeing phải nỗ lực để bắt kịp những công nghệ tiên tiến hơn trên chiếc máy bay A320 NEO của đối thủ Airbus.

Mẫu 737 MAX được tung ra thị trường sớm hơn dự kiến và người ta nghi ngờ liệu quá trình này có bị đẩy nhanh quá mức xuất phát từ lợi ích chính trị và kinh tế, theo đó dẫn đến những thiếu sót nghiêm trọng hay không./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tags: Máy Bay 737 Max Boeing Boeing 737 Max 8 Ethiopian Airlines