Những kịch bản tiếp theo của xung đột Mỹ - Iran

Những kịch bản tiếp theo của xung đột Mỹ - Iran
Dù nguy cơ chiến tranh đã tạm thời qua đi, song vẫn còn đó một số kịch bản có thể đưa cuộc xung đột hiện nay giữa Iran và Mỹ đối đầu toàn diện.

Hành động chiến tranh không tuyên chiến

Lầu Năm góc cho biết Iran đã phóng 15 quả tên lửa đạn đạo, trong đó 10 quả trúng căn cứ Al-Asad, một quả trúng căn cứ Erbil và 4 quả bắn hỏng.
Lầu Năm góc cho biết Iran đã phóng 15 quả tên lửa đạn đạo, trong đó 10 quả trúng căn cứ Al-Asad, một quả trúng căn cứ Erbil và 4 quả bắn hỏng.

5 ngày sau khi Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, bị Mỹ không kích ám sát ở Baghdad, rạng sáng 8/1 Tehran đã tung đòn trả thù, tấn công tên lửa ồ ạt nhằm vào hai căn cứ Mỹ tại Iraq.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố các cuộc tấn công nhằm vào hai căn cứ Erbil và Al-Asad tại Iraq là nhằm trả thù cho cái chết của Tướng Soleimani, một trong những lãnh đạo quân sự hàng đầu của đất nước, kiến trúc sư chính của các hoạt động tình báo, an ninh và vũ trang ở nước ngoài của Iran.

Các báo cáo ban đầu từ phía Mỹ cho biết không có thương vong với người Mỹ, trong khi các thiệt hại và đánh giá quân sự khác vẫn đang được tiến hành. Nhưng cho dù có thương vong của phía Mỹ hay không, đây vẫn là thời điểm then chốt trong căng thẳng Mỹ - Iran vì cuộc không kích sáng 8/1 là lần đầu tiên Tehran tiến hành một cuộc tấn công trực diện vào binh sĩ và mục tiêu quân sự Mỹ.

Lực lượng an ninh Iraq thu gom các mảnh đầu đạn tên lửa Iran tại căn cứ Ain al-Asad. Ảnh: Anadolu/Getty Images
Lực lượng an ninh Iraq thu gom các mảnh đầu đạn tên lửa Iran tại căn cứ Ain al-Asad. Ảnh: Anadolu/Getty Images

Trên thực tế, đây là những hành động chiến tranh, mặc dù không có lời tuyên chiến chính thức.

Đầu tiên, Mỹ đã tiến hành tấn công sát hại một nhà lãnh đạo quân sự quyền lực của Iran tại một nước thứ ba, và sau đó Tehran tấn công trả thù quân đội Mỹ cũng tại nước thứ ba.

Sau vụ tấn công trả đũa, Ngoại trưởng Iran Javad Zariff cho biết “Iran đã triển khai và hoàn tất các biện pháp tương xứng để tự vệ, theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc, nhằm vào căn cứ mà từ đó các cuộc tấn công hèn nhát đã được tiến hành chống lại nhân dân và quan chức cấp cao của chúng tôi”.

Điều 51 cho phép các quốc gia hành động tự vệ khi họ đang bị tấn công. Ông Zariff nói thêm rằng Iran không tìm kiếm leo thang căng thẳng hay chiến tranh, nhưng “sẽ tự vệ trước mọi hành động gây hấn”.

Tấn công giới hạn và thông điệp của Iran

Phản ứng đáp trả của Iran là điều đã được dự báo trước. Nhiều lời đe dọa báo thù cho Tướng Soleimani đã được các lãnh đạo cấp cao của Iran đưa ra.

Trước đòn tấn công từ Tehran, một nhà thờ Hồi giáo ở thánh địa Qom của người Shi'ite đã giương cờ đỏ, báo hiệu chiến tranh đang đến. Kataib Hezbollah, một đơn vị thuộc Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF), tổ chức dân quân vũ trang dòng Shi'ite tại Iraq mà ông Soleimani giúp xây dựng, cũng cảnh báo các lực lượng Iraq tránh xa những căn cứ có lính Mỹ. Những tín hiệu này cho thấy quân đội Mỹ ở Iraq có thể bị nhắm mục tiêu.

Có thể thấy Iran đã tiến hành một cuộc tấn công có tính toán, với quy mô hạn chế, không gây ra nhiều thiệt hại cho người Mỹ nhưng vẫn thực hiện tốt lời thề báo thù.

Đó là một bước leo thang, nhưng chưa phải là một cuộc chiến toàn diện, tờ The Hindu nhận định.

Giới chức Mỹ cho biết hệ thống cảnh báo sớm tại căn cứ Ain al-Asad đã cho phép binh sĩ kịp thời ẩn nấp, tránh được thương vong. Ảnh: Anadolu/Getty Images
Giới chức Mỹ cho biết hệ thống cảnh báo sớm tại căn cứ Ain al-Asad đã cho phép binh sĩ kịp thời ẩn nấp, tránh được thương vong. Ảnh: Anadolu/Getty Images

Giới chức Mỹ cho biết hệ thống cảnh báo sớm tại căn cứ Ain al-Asad đã cho phép binh sĩ kịp thời ẩn nấp, tránh được thương vong. Ảnh: Anadolu/Getty Images
Ngoài ra, bằng cách tấn công căn cứ Mỹ ở Erbil, thủ phủ người Kurd ở Iraq, Iran cũng có thể muốn gửi một thông điệp tới Washington. Erbil không chỉ là nơi lính Mỹ đồn trú mà còn là nơi đặt lãnh sự quán lớn của Washington.

Mỹ có mối quan hệ thân thiết với người Kurd Iraq và cộng đồng này muốn duy trì một lực lượng Mỹ ở khu tự trị ngay cả khi các lực lượng của họ buộc phải rút lui khỏi phần còn lại của Iraq. Cũng cần lưu ý rằng hầu hết các nhà lập pháp người Kurd đã tẩy chay phiên họp của Quốc hội Iraq hôm 6/1 vừa qua, khi cơ quan này thông qua nghị quyết trục xuất binh sĩ Mỹ khỏi đất nước.

Đối với Mỹ, một lực lượng đồn trú tại Iraq là cần thiết để duy trì sự hiện diện của nước này ở Syria, liên quan đến cộng đồng người Kurd. Vì vậy thông điệp của Iran là “các ông không an toàn ngay cả ở Erbil”.

Căn cứ quân sự Mỹ ở Erbil, thủ phủ khu vực người Kurd Iraq.
Căn cứ quân sự Mỹ ở Erbil, thủ phủ khu vực người Kurd Iraq. 

Những kịch bản có thể xảy ra

Sau khi Iran tấn công trả đũa trực tiếp mà không cần thông qua một lực lượng ủy nhiệm, chuyện gì có thể xảy ra tiếp theo?

Nếu không có thương vong của người Mỹ - một làn ranh đỏ mà Tổng thống Trump vạch ra (và trên thực tế làn sóng khủng hoảng mới nhất đã được châm ngòi bởi cái chết của một nhà thầu dân sự Mỹ trong vụ tấn công rocket của lực lượng thân Iran tại Iraq) - thì Nhà Trắng có thể bỏ qua phản ứng của Iran và lựa chọn không trả đũa. Đó sẽ là một bước giảm leo thang.

Tuy vậy, theo báo The Hindu, một số kịch bản khác có thể đẩy cuộc xung đột đi đến một cuộc chiến tranh toàn diện.

Trước hết, nếu Tổng thống Trump ra lệnh không kích vào lãnh thổ Iran, điều này sẽ kích hoạt phản ứng quân sự mạnh hơn nữa từ Tehran, và cuộc xung đột sẽ lập tức vượt khỏi tầm kiểm soát. Rất may là kịch bản này tạm thời không xảy ra, khi trong bài diễn văn sáng 8/1 (tối 8/1 theo giờ Việt Nam) từ Nhà Trắng, ông Trump đã không tuyên chiến để đáp trả vụ tập kích tên lửa của Iran.

Thứ hai, nếu Tổng thống Trump chấp nhận kiềm chế sau khi bị trả đũa, Iran vẫn có thể tiếp tục nhắm vào lực lượng Mỹ tại Iraq, nhưng thông qua các nhóm vũ trang ủy nhiệm của họ như Lữ đoàn Badr và nhóm Kataib Hezbollah. Hành động này sẽ kéo Mỹ- Iran vào một cuộc xung đột sâu hơn.

Thứ ba, các nhóm dân quân vũ trang dòng Shiite hoạt động với quyền tự trị tương đối. Tehran có thể không quản lý họ ở tầm vi mô. Và trong tâm lý phẫn nộ trước cái chết của Tướng Suleimani, lực lượng này có thể tấn công các mục tiêu Mỹ ở Iraq mà không cần sự cho phép từ Tehran. Một diễn biến như vậy sẽ kích hoạt phản ứng gay gắt hơn từ Mỹ với Iran, kéo hai nước tới bờ vực chiến tranh trực diện.

Trong trường hợp bùng phát một cuộc chiến, Mỹ có thể tiến hành các đợt không kích tàn phá bên trong lãnh thổ Iran, trong khi Tehran có thể gây ra nhiều cuộc xung đột trong khu vực thông qua các lực lượng ủy nhiệm như Hezbollah, PMF hay al-Houthis, bên cạnh việc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào các lợi ích Mỹ và đồng minh, bao gồm cả Israel, UAE. Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 8/1 đã tuyên bố Iran "sẽ đốt cháy những nơi mà Mỹ yêu quý", ám chỉ Israel. 

Thu Hằng

Tags: Xung Đột Mỹ-Iran Iran Tấn Công Căn Cứ Mỹ Iran Trả Thù Mỹ Tướng Suleimani