Nới cửa cho nhà đầu tư ngoại kinh doanh xăng dầu

Nới cửa cho nhà đầu tư ngoại kinh doanh xăng dầu
Thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 34%

Sự tham gia của nhà đầu tư ngoại sẽ tạo sức ép nâng cao chất lượng phục vụ của doanh nghiệp nội. Ảnh: NgọcThắng

Theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương soạn thảo, có nội dung cho thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không qua 34%.

Giá bán lẻ sẽ có cạnh tranh

Trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công thương giải thích, việc sửa đổi này dựa trên thực tế là sau khi cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đã trở thành DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy, việc sửa đổi nhằm quy định cụ thể đối tượng được tham gia kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, theo quan điểm của Bộ Công thương, việc xây dựng chính sách nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa DN nhà nước và DN tư nhân, giữa các DN lớn và DN nhỏ, phù hợp với Nghị quyết 10 của T.Ư Đảng trong phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một lãnh đạo của Petrolimex phía nam cho rằng, thực chất hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào thị trường lọc dầu bằng hình thức liên doanh. “Đây là xu hướng tất yếu và chúng ta không thể tránh. Thị trường thực sự đã mở cửa theo đúng nghĩa đen lẫn bóng. Trước đây, chỉ có 7 - 8 đầu mối kinh doanh xăng dầu, nay có hơn 30 thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đầu mối. Bản chất của thị trường là phải có cạnh tranh, quá trình phát triển, DN nào làm tốt sẽ phát triển, DN nào làm không nổi sẽ tự đào thải. Quan trọng là quản lý thế nào vừa bảo đảm cơ chế kinh tế thị trường, vừa đảm bảo an ninh an toàn năng lượng”, vị này chia sẻ.

Từng là nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cũng nhấn mạnh, quy định cho thương nhân nước ngoài mua lại cổ phần thương nhân trong nước trong lĩnh vực xăng dầu sẽ tốt cho thị trường xăng dầu trong nước, đặc biệt đối với người tiêu dùng. Ông Quỳnh nói: “Trước giờ chúng ta chỉ có các hệ thống cây xăng bán lẻ do DN trong nước đầu tư, tốt hay xấu thì người tiêu dùng cũng phải chấp nhận vì không có lựa chọn nào khác. Với sự tham gia của DN ngoại, tôi tin những tiêu chuẩn về dịch vụ sẽ được nâng cấp tốt hơn cho người tiêu dùng. Thứ nữa, thị trường sẽ tăng thêm sức cạnh tranh, thậm chí có khả năng giá bán lẻ cạnh tranh nhất định thay vì giá thống nhất như hiện nay. Chênh lệch giá có thể không nhiều nhưng sẽ có”.

Tạo sức ép cho DN nội

Không có gì phải ngại 

Ủng hộ nhà kinh doanh nước ngoài tham gia mạnh hơn vào hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, phân tích, hiện chúng ta đang từng bước chuyển sang xây dựng thị trường xăng dầu đúng nghĩa kinh tế thị trường có cạnh tranh nên phải có sự tham gia bình đẳng giữa các thành phần kinh tế cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là điều cần thiết và bắt buộc phải thực hiện bởi đó là xu hướng, nhu cầu của thị trường, đòi hỏi của người tiêu dùng. "Vấn đề an ninh năng lượng quốc gia khi có người nước ngoài tham gia cũng không có gì đáng lo bởi DN trong nước vẫn nắm quyền chi phối bằng sở hữu 2/3 cổ phần. Vấn đề là nhà nước phải đầu tư xây dựng kho dự trữ xăng dầu và điều tiết theo quy luật kinh tế thị trường. Có nhà đầu tư ngoại tham gia là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để chúng ta sớm hình thành nền kinh tế thị trường đúng nghĩa”, vị này nói và cho rằng, trong các hiệp định đàm phán, cho dù chúng ta không cam kết mở cửa mảng xăng dầu, nhưng về lâu dài, không mở sẽ không theo kịp xu hướng phát triển. Lúc đó, hiệu quả của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết sẽ không đạt cao như mong đợi.

Sự tham gia của nhà đầu tư ngoại giúp chúng ta điều chỉnh chính sách theo cơ chế thị trường nhanh và hợp lý hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nói: “Mặt hàng xăng dầu do nhà nước quản lý về giá và Bộ Công thương quyết định. Ngoài ra, hiện nay nhà nước vẫn là đơn vị đầu mối nhập khẩu và dự trữ xăng dầu. Các công ty xăng dầu trong nước do nhà nước chi phối hiện nay chiếm hơn 90% trên thị trường nên chẳng có gì phải sợ nhà đầu tư ngoại tham gia vào lĩnh vực xăng dầu!”.

Thực tế, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới WTO và hơn 10 hiệp định thương mại tự do, trừ các DN đầu tư vào nhà máy lọc dầu tại Việt Nam để phân phối sản phẩm mình làm ra. Trên thị trường xăng dầu, hiện Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn có hai đối tác nước ngoài tham gia với phần vốn nắm giữ 35,1%. Ngoài ra, ngay tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là JX Nippon Oil & Energy cũng đã là cổ đông chiến lược nắm 8% cổ phần tại Petrolimex từ năm 2016.

GS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng, chúng ta không mở cửa với kinh doanh xăng dầu nói chung trong các hiệp định thương mại tự do, nhưng chúng ta mở với lĩnh vực sản xuất chế biến lọc dầu. Khi chế biến được rồi, nhà đầu tư có quyền mở tiếp các cửa hàng bán lẻ để phân phối xăng dầu đã được sản xuất. Dù vậy, theo ông Long, mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đơn giản, bởi các địa phương đều có quy hoạch tại vùng mở bao nhiêu điểm là hợp lý, mà những điểm đó đã được DN phân phối xăng dầu trong nước “án ngữ”. Tuy nhiên, việc có nhà đầu tư ngoại tham gia tạo sức ép cho DN trong nước nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng phục vụ hơn.

Nguyên Nga-Thanh Xuân

Tags: Xăng Dầu Kinh Doanh Xăng Dầu Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Petrolimex Nghị Định 83