Một trong các đòi hỏi của Mỹ là Trung Quốc phải tăng nhập khẩu nông sản Mỹ ảnh: Axios.
“Tôi không đặt ra hạn chót nào, không”, ông Trump nói với các phóng viên tại London khi đang đến dự các cuộc họp của lãnh đạo NATO.
“Theo một số cách, tôi thích ý tưởng chờ đến sau cuộc bầu cử mới tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc. Nhưng họ muốn thỏa thuận vào lúc này, và chúng ta sẽ chờ xem liệu thỏa thuận đó có chấp nhận được không - nó phải chấp nhận được”, ông nói.
Trong khi đó, Reuters dẫn các nguồn tin từ Bắc Kinh và Washington nói rằng hai nước đã có tiến triển, nhưng vẫn chờ xem liệu các biện pháp tăng thuế mà Mỹ đang áp dụng có được loại bỏ hay không, và liệu Trung Quốc có mua một lượng nông sản Mỹ cụ thể theo như thỏa thuận giai đoạn 1 hay không.
Một nguồn tin từ Washington nói rằng phía Mỹ sẵn sàng bỏ một số loại thuế, nhưng muốn Bắc Kinh chấp nhận nhượng bộ thêm trong vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các hãng Trung Quốc.
Các chuyên gia thương mại cho rằng gói thuế có khả năng được loại bỏ nhất là mức 15% áp dụng từ ngày 1/9 đối với 125 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc, trong đó có loa thông minh, tai nghe Bluetooth, màn hình TV và giày dép. Nhưng phát biểu vừa qua của ông Trump có thể khiến giới chức Trung Quốc lo ngại khả năng nhà lãnh đạo Mỹ không làm như đã nhất trí.
“Những thứ này ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền Trump, nhưng cả hai bên đều có vấn đề về uy tín”, Reuters dẫn lời ông Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 3/12 cho biết đàm phán cấp làm việc giữa hai nước vẫn được duy trì, nhưng chưa có cuộc gặp cấp cao nào được lên lịch.
Nếu không có thỏa thuận hay tiến triển nào đạt được trước ngày 15/12, gói tăng thuế đối với các mặt hàng Trung Quốc còn lại, gồm điện thoại di động, laptop và đồ chơi, sẽ có hiệu lực, ông Ross cho biết.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là tổng thống đã khẳng định rõ: Ông ấy không chịu áp lực thời gian phải hoàn thành nó. Vì nếu không bên kia có thể nói: "Ồ, ông ấy cần nó vì các lý do chính trị, vì thế chúng ta hãy cho ông ta một thỏa thuận tồi hơn". Ông ấy sẽ không chơi trò chơi đó”, Bộ trưởng Ross nói.
Chỉ là mưu?
Bà Seema Shah, chiến lược gia trưởng tại hãng quản lý tài sản Principal Global Investors, cho rằng ông Trump sẽ không gánh được hậu quả nếu thị trường chứng khoán lao dốc như hồi cuối năm 2018, khi ông bắt đầu “đốt nóng” cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
“Chính phủ Trung Quốc tin rằng Tổng thống Trump đang rất cần một thỏa thuận trước cuối năm nay, khi cuộc đua bầu cử tổng thống thực sự nóng lên. Phát biểu vừa rồi của ông Trump là mưu để giành thế thượng phong trong đàm phán với Trung Quốc”, bà Shah nói với Reuters.
Trong lúc này, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục nảy sinh những vấn đề căng thẳng khác. Mới nhất là việc Trung Quốc dọa sẽ đáp trả sau khi Hạ viện Mỹ ngày 2/12 bỏ phiếu thông qua dự luật mở đường cho việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng dự luật “cố tình phỉ báng tình hình nhân quyền ở Tân Cương và gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan ở khu vực”.
Đạo luật Duy Ngô Nhĩ 2019 vừa được Hạ viện Mỹ thông qua nhằm yêu cầu chính quyền Mỹ xác định và trừng phạt những quan chức liên quan đến việc giam giữ hàng loạt người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.
Tuyên bố của Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ đáp trả nhiều hơn tùy thuộc diễn biến của tình hình, nhưng không nói rõ sẽ có biện pháp gì. Báo chí Trung Quốc hôm 3/12 đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc biện pháp hạn chế các quan chức và nghị sĩ Mỹ đến thăm Tân Cương và sẽ sớm công bố “danh sách các tổ chức không đáng tin cậy”, trong đó có “các tổ chức Mỹ liên quan”.
BÌNH GIANG