Phát triển 1 triệu doanh nghiệp: Cốt lõi là 'sức khỏe' doanh nghiệp

Phát triển 1 triệu doanh nghiệp: Cốt lõi là 'sức khỏe' doanh nghiệp
Chính phủ đặt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020 nhằm xây dựng cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam đông về số lượng, mạnh về chất lượng, phục vụ công cuộc hội nhập kinh tế của đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều chính sách “cởi trói”, loại bỏ các thủ tục phiền hà trong sản xuất, kinh doanh đã được thực hiện. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng cam kết phấn đấu đạt mục tiêu riêng của mình.

Đồng Nai luôn nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp FDI. Ảnh:Vương Văn Thế

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu đó khó đạt được bởi vẫn còn rất nhiều rào cản, đòi hỏi năm 2020 phải tăng tốc thực hiện. Bên cạnh đó, phát triển DN nhưng đồng thời chất lượng DN phải là vấn đề cốt lõi nhất.

* Kỳ vọng lớn

Chiến lược, mục tiêu đẩy mạnh phát triển DN trong những năm qua không chỉ là sự hô hào chung chung mà đã trở thành nhiệm vụ được đặt ra tại nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII (2017) của Đảng đã xác định các mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN”.

Đối với Chính phủ, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đó không chỉ là những tuyên ngôn như “Chính phủ hành động, kiến tạo” hay “lấy DN làm đối tượng phục vụ” mà đã biến thành hành động cụ thể trong các chính sách kinh tế thân thiện với DN được ban hành và thực thi. Trọng tâm của các nỗ lực đó là các nghị quyết của Chính phủ về môi trường kinh doanh và phát triển DN, gồm các Nghị quyết 19 năm 2014 và năm 2018, Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động trên phạm vi cả nước. Kết quả thực hiện các nghị quyết này đã giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 30 bậc trên bảng xếp hạng của Doing Business, từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018.

Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2019, Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đã được triển khai rộng khắp đến các bộ, ngành, địa phương. Việc cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được triển khai liên tục trong năm. Song song đó, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được ban hành năm 2017 cũng như việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp đang lấy ý kiến đóng góp cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo các điều kiện thông thoáng cho DN, thực hiện mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020.

Nhiều chuyển biến, vẫn khó đạt mục tiêu

Trong báo cáo “tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - góc nhìn từ DN” của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, tốc độ tăng số DN trung bình cả nước trong 3 năm 2015-2018 là 17,3%/năm.(Thông tin: VƯƠNG THẾ - Đồ họa: HẢI QUÂN)

(Thông tin: VƯƠNG THẾ - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Đánh giá mục tiêu này của Chính phủ là khá “tham vọng”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, nếu theo tốc độ phát triển DN như 3 năm vừa qua thì đến cuối năm 2020, cả nước sẽ có 984.003 DN, đạt 98,4% so với mục tiêu đề ra, vẫn chưa đạt Nghị quyết 35.

“Như vậy mục tiêu 1 triệu DN có thể sẽ không đạt được. Do đó, năm 2020 phải là năm tăng tốc về đích, các địa phương phải cam kết với VCCI về mục tiêu số lượng DN thành lập mới” - ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Về phần VCCI, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các địa phương ký cam kết mục tiêu phát triển DN, tổng hợp ý kiến của DN để làm căn cứ cho các chính sách của Nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ đó, có 40 tỉnh, thành đã ký cam kết với VCCI. Trong đó, địa phương có mức cam kết cao nhất là Bắc Giang, phấn đấu trong 5 năm tăng số DN từ 2.043 lên 9 ngàn doanh nghiệp. Hiện Bắc Giang đã có 5.451 DN, tăng 167%, và nếu tiếp tục duy trì tốc độ này thì đến năm 2020 sẽ có 10.486 DN, vượt cam kết. Tương tự, Vĩnh Phúc từ 2.893 DN lên 10 ngàn DN và dự kiến sẽ đạt con số 10.860 vào năm 2020. Ngoài ra, còn phải kể đến một số tỉnh có tỷ lệ tăng DN rất nhanh như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa, Bình Dương…

Riêng Đồng Nai có tỷ lệ tăng DN nhanh thứ 2 cả nước, trung bình đạt 32% cho giai đoạn 2015-2018. Tỉnh đặt mục tiêu 30 ngàn DN vào năm 2020 nhưng thực tế hiện nay đã là 36 ngàn DN, vượt Hải Phòng và Đà Nẵng, trở thành địa phương có số DN cao thứ 4 cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương.

Chiếm số lượng đông đảo nhất trong cơ cấu DN Đồng Nai là DN dân doanh. Lũy kế từ năm 1991 đến nay có hơn 35 ngàn DN dân doanh trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia với tổng vốn đăng ký 259 ngàn tỷ đồng. Các DN trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và ngày càng có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.

Mặc dù vậy, theo tính toán của VCCI, nhìn toàn cảnh, mục tiêu 1 triệu DN vẫn khó đạt được. Nếu duy trì tốc độ phát triển như 3 năm 2015-2018 thì sẽ có 27/40 tỉnh, thành đạt và vượt cam kết, và có 13/40 tỉnh, thành không đạt được số lượng cam kết, điều này ảnh hưởng đến con số 1 triệu DN mà cả nước hướng tới.

Theo nhiều chuyên gia, năm 2020 sẽ phải là một năm tăng tốc nếu muốn đạt được tham vọng 1 triệu DN. Việc giải quyết được những rào cản về thủ tục pháp lý, những nỗi lo của DN về những chi phí không chính thức sẽ là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy doanh nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường.

* Quan trọng là “sức khỏe” của DN

Trên thực tế, giữa số liệu đăng ký kinh doanh và số DN hoạt động có một khoảng cách khá chênh lệnh. Theo thống kê, chỉ có khoảng

50-60% DN đăng ký kinh doanh đang hoạt động, số còn lại là các DN có hoặc không có đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, chờ giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể, nghĩa là muốn có 1 triệu DN đang hoạt động thì cần có

1,5-1,6 triệu DN đăng ký. Điều đó cho thấy, “sức khỏe” của DN mới chính là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay. “Đông nhưng không mạnh” cũng sẽ kéo theo cả nền kinh tế không năng động, không đột phá lên được.

Một vấn đề nữa là các DN hiện nay rất khó dự đoán các thay đổi chính sách từ Nhà nước. Một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh của Nghị quyết 35 là các cơ quan nhà nước phải bảo đảm sự ổn định, nhất quán và dễ dự báo của chính sách. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ DN luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ DN không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách tăng từ mức 42% trong năm 2014 lên mức 67% trong năm 2018. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại.

Ở góc độ quản trị DN, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư U&I (UniGroup), nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận định, trong các yếu tố để DN phát triển thì những vấn đề nội tại như: nguồn vốn, chiến lược phát triển, yếu tố con người chiếm khoảng 50%, còn lại là những yếu tố bên ngoài, từ môi trường xã hội, thể chế, chính sách… Đồng thời và song hành với nỗ lực của riêng DN thì chính sách hỗ trợ phải tốt, môi trường, thể chế, chính sách đi kịp với xu thế, nếu không sẽ làm cho DN tư nhân mất đi động lực phát triển.

Cùng quan điểm, PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, không nên quá đặt nặng thành tích phát triển số lượng mà đến lúc cần phải thay đổi định hướng phát triển DN. “Cần một chiến lược phát triển lực lượng DN mạnh về “chất” chứ không phải đơn thuần chỉ phát triển về số lượng. Cần xây dựng một hệ sinh thái DN, lớn có, nhỏ có để hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Điều này trên thực tế Việt Nam đang yếu hơn nhiều so với ngay cả các quốc gia trong khu vực” - PGS-TS.Trần Đình Thiên khuyến nghị.

Văn Gia

 

Tags: Cộng Đồng Doanh Nghiệp Hội Nhập Kinh Tế Chính Sách Cởi Trói Doanh Nghiệp Fdi Vcci