Phiên chiều 19/2: Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh, cổ phiếu thị trường bùng nổ

Phiên chiều 19/2: Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh, cổ phiếu thị trường bùng nổ
Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip phân hóa, thì dòng tiền đầu cơ lại chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu thị trường, giúp nhiều cổ phiếu trong nhóm này có phiên giao dịch bùng nổ.

Trong phiên sáng, VN-Index có lúc lấy lại mốc 930 điểm nhờ sự hồi phục tốt của cổ phiếu VIC, nhưng sau đó, đà tăng của VIC yếu dần, chỉ giữ được mức tăng tối thiểu, cùng với đà giảm của nhiều mã bluechip khác khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Trong phiên chiều, diễn biến của VN-Index không có gì đáng chú ý khi chỉ số này vẫn lình xình quanh tham chiếu với biên độ hẹp do sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip.

Trong top 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, số mã tăng giảm gần như tương đương nhau với sắc xanh xuất hiện tại VIC, VCB, VNM, CTG, VPB, PLX, MSN, MWG, PNJ, POW…, còn sắc đỏ xuất hiện tại BID, GAS, TCB, VRE, VJC, HPG, MBB, FPT, HDB, STB, EIB, TPB… Tuy nhiên, mức tăng, giảm không mạnh, trong đó CTG, VPB, MSN, MWG, PNJ tăng trên 1%, BID, VRE, STB giảm trên 1%, còn lại đều tăng, giảm dưới 1%.

Tuy nhiên, nhờ sự trở lại vào đợt khớp lệnh ATC của VCB, VIC, giúp VN-Index có được sắc xanh nhạt, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp.

Chốt phiên, VN-Index tăng 0,83 điểm (+0,09%), lên 928,76 điểm với 202 mã tăng, trong khi chỉ có 152 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 192 triệu đơn vị, giá trị 3.532,3 tỷ đồng, tăng 2,4% về lượng, nhưng tương đương về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30 triệu đơn vị, giá trị 987 tỷ đồng.

STB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm bluechip với 6,8 triệu đơn vị, tiếp đến là CTG với 5,9 triệu đơn vị, HPG gần 5,5 triệu đơn vị, MBB 4,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, phiên giao dịch chiều nay chứng kiến dòng tiền đầu cơ chảy mạnh vào các mã có tính thị trường giúp hàng loạt mã tăng trần với dư mua trần lớn. Nhiều mã khác dù không có được sắc tím, nhưng cũng đóng cửa với mức tăng tốt và thanh khoản cao.

Cụ thể, AMD, ITA, ROS, HAI, HQC, HCD, LMH, VOS, CCL, ATG và 10 mã khác đóng cửa với sắc tím. Trong đó, AMD thay thế ITA trở thành cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường với 7,8 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 2.330 đồng, còn dư mua giá trần. ITA khớp 7,55 triêu đơn vị, còn dư mua giá trần (2.490 đồng) hơn 400.000 đơn vị. Đặc biệt, ROS dù có sắc đỏ trong nửa đầu phiên sáng, như trong phiên chiều đã nhận được dòng tiền ồ ạt, kéo mã này lên thẳng mức trần 8.500 đồng với hơn 6 triệu đơn vị được khớp, trong đó chỉ riêng đợt ATC đã khớp hơn 2,5 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới gần 5,3 triệu đơn vị. HAI cũng khớp 5,7 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (27.800 đồng). HQC khớp 4,3 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (1.090 đồng) gần 2 triệu đơn vị…

Trong khi đó, dù không có sắc tím, nhưng FLC cũng đóng cửa tăng tốt 2,74% lên 4.120 đồng, khớp 7,7 triệu đơn vị, đứng sau AMD. DLG tăng 5,15% lên 2.040 đồng, khớp 5,9 triệu đơn vị. KBC tăng 2,74% lên 15.000 đồng, khớp 4,46 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trên HNX, với việc ACB vẫn quẩn quanh mức giá của phiên sáng, cùng SHB nới đà giảm, NVB cũng quay đầu khiến HNX-Index nới rộng đà giảm, nhưng sau đó đã kịp thoát khỏi mức đáy của ngày để bật lên và đóng cửa phiên chiều với mức điểm cao hơn mức đóng cửa phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,78 điểm (-0,7%), xuống 109,3 điểm với 71 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,7 triệu đơn vị, giá trị 366,6 tỷ đồng, giảm 30,5% về lượng và 57,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trong các mã lớn, ACB vẫn giữ mức giảm như phiên sáng khi mất 1,13% xuống 26.300 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị, VCS cũng giảm 1,3% xuống 76.000 đồng, VCG đứng tham chiếu như phiên sáng. Trong khi đó, SHB nới rộng đà giảm khi mất 4,11% xuống 7.000 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 6,8 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX. NVB cũng quay đầu giảm 1,12% xuống 8.800 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, thị trường nhận được sự hỗ trợ của PVS khi tăng 1,23% lên 16.400 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị; PVI tăng 0,63% lên 31.900 đồng và đặc biệt là VIF với mức tăng 4,44% lên 18.800 đồng.

Cũng giống như sàn HOSE, sàn HNX chiều nay cũng chứng kiến hàng loạt mã cổ phiếu nhỏ nổi sóng với sắc tím xuất hiện tại KLF, ACM, HKB, ITQ, KVC, IDJ, VCR, PVX, DTD… Trong đó, KLF là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm này với 1,57 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau khi nới rộng đà tăng trong nửa đầu phiên chiều, chỉ số chính của sàn này đã hạ nhiệt và lùi về sát tham chiếu trước khi lấy lại đà tăng trong ít phút cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,27%), lên 56,4 điểm với 110 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 29,5 triệu đơn vị, giá trị 1.240 tỷ đồng, tăng đột biến so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, sự đột biến này đến chủ yếu từ giao dịch thỏa thuận với 19,6 riệu đơn vị, giá trị 1.076 tỷ đồng, trong đó riêng VCP đóng góp 19,49 triệu đơn vị, giá trị 1.072 tỷ đồng.

Ngoài sự đột biến trong thỏa thuận, diễn biến giao dịch trong phiên khớp lệnh của VCP không có gì đáng chú ý khi đóng cửa giảm 6,14% xuống 52.000 đồng, thanh khoản chỉ 3.000 đơn vị.

Trong khi đó, GVR là mã duy nhất có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên thị trường này, đóng cửa tăng 5,36% lên 11.800 đồng, khớp 1,16 triệu đơn vị. VIB ở vị trí tiếp theo, khớp gần 1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 0,55% xuống 18.100 đồng.

Nhiều mã tý hon trên thị trường này cũng đóng cửa với sắc tím, nhưng do thị giá quá thấp, nên mức tăng cũng chỉ là 1 bước giá.

Trên thị trường phái sinh, trong khi VN30-Index chỉ tăng 0,25% lên 863,84 điểm, thì cả 4 hợp đồng tương lai của chỉ số này đều có mức tăng mạnh hơn mức tăng của VN30-Index. Trong đó, hợp đồng sắp đáo hạn là VN30F2002 (đáo hạn 20/2) tăng tới 1,14% lên 865,8 điểm với 82.723 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 16.659 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm giá chiếm ưu thế hơn so với mã giảm với 31 mã giảm, trong khi có 27 mã tăng, nhưng trong đó có nhiều mã tăng rất mạnh như CSBT2001 tăng trần (44,71%), lên 4.850 đồng, khớp 9.400 đơn vị; CVPB2002 tăng 17,64% lên 4.000 đồng, khớp 6.740 đơn vị.

Trong khi đó, có thanh khoản tốt nhất là CROS2001 với hơn 1,39 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trong đó khối ngoại bán hơn 1,24 triệu đơn vị. Đóng cửa tăng 30,77% lên 170 đồng.

T.Lê

Tags: Đầu Cơ Cổ Phiếu Thị Trường Bluechip Nổi Sóng Bùng Nổ