Nguồn tin hiểu giới lãnh đạo Triều Tiên nói với CNN chính sách mới có thể sẽ là loại bỏ việc giải giáp hạt nhân ra khỏi các cuộc đàm phán giữa lúc nhận thấy Tổng thống Trump đang có những suy yếu về chính trị.
Chính sách được một quan chức Triều Tiên tuyên bố là “quà Giáng Sinh” vào đầu tháng này có thể củng cố vị thế của Bình Nhưỡng với tư cách là quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng cũng sẽ không theo đuổi việc giảm các biện pháp trừng phạt để đạt được phát triển kinh tế trong ngắn hạn hoặc dài hạn, thay vào đó sẽ tiếp tục theo đuổi học thuyết đất nước tự lực, tự cường - được gọi là “Juche”.
Năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố rằng Triều Tiên đã hoàn thành nhiệm vụ phát triển vũ khí hạt nhân và sẽ tập trung nỗ lực đất nước vào phát triển kinh tế và cải thiện sinh kế cho người dân.
guồn tin nói rằng nhà lãnh đạo Kim sẽ thực hiện giải pháp “chờ đợi”. Điều này dựa trên nhận thức rằng Tổng thống Trump dễ bị tổn thương về mặt chính trị do luận tội và tương lai không chắc chắn trong cuộc bầu cử năm 2020.
Các nhà phân tích tin rằng Bình Nhưỡng lo lắng nếu đạt được thỏa thuận và Tổng thống Trump thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới, người kế nhiệm ông Trump có thể không giữ nguyên thỏa thuận.
Các nhà ngoại giao của ông Kim đã trích dẫn quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 ví lý do không thể tin tưởng Mỹ về một thỏa thuận lâu dài. Nếu Tổng thống Trump giành được nhiệm kỳ thứ 2, Triều Tiên có thể sẵn sàng tái cấu trúc hơn nữa, nhưng tiêu chuẩn để trở lại bàn đàm phán với Washington chắc chắn sẽ được nâng lên.
Phi hạt nhân hóa dường như đã ra khỏi bàn đàm phán lúc này, nguồn tin cho biết.
Khả năng thử tên lửa rất thấp
Các chuyên gia và nhà phân tích suy đoán rằng “quà Giáng sinh” có thể là các vụ thử nghiệm tên lửa hoặc phóng vệ tinh tiên tiến, những hành động có thể vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Các bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy có hoạt động tại cơ sở phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên và một địa điểm khác liên quan đến sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tuy nhiên, khả năng Triều Tiên có thể tiến hành thử nghiệm tên lửa hoặc phóng vệ tinh là rất thấp, vì những hành động như thế được xem là quá khiêu khích đối với Nga và Trung Quốc , hai đối tác thương mại lớn và quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, nguồn tin cho biết.
Bắc Kinh và Moscow có mối quan hệ lâu dài với Bình Nhưỡng, đặc biệt, Trung Quốc được cho là chiếm tới 90% hàng nhập khẩu của Triều Tiên – huyết mạch của nền kinh tế Bình Nhưỡng.
Các nguồn cung cửa sau từ Trung Quốc và Nga đang bắt đầu mở cửa trở lại và Triều Tiên nhận thức được rằng hành động cực đoan của họ có thể khiến đối tác kinh tế quan trọng xa lánh, nguồn tin nói.
Giới phân tích cho biết trong khi Trung Quốc và Nga muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thì ưu tiên số một của họ là ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên.
Không vượt ranh giới đỏ
Nguồn tin cho biết các thử nghiệm động cơ tên lửa gần đây ở Sohae đã giúp các nhà khoa học Triều Tiên có được kiến thức quý giá, nhưng không vượt quá ranh giới đỏ có thể gây tổn hại đến quan hệ với Nga và Trung Quốc
Moscow và Bắc Kinh trong quá khứ đã sẵn sàng trừng phạt Bình Nhưỡng vì phát triển vũ khí hạt nhân. Hai nước đã phê chuẩn các lệnh trừng phạt với Triều Tiên vào năm 2017 để đáp trả các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã tiến hành một số vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn và rocket phóng loạt trong những tháng gần đây, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc , nhưng không vi phạm cam kết mà nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Trump đạt được.
Nhà lãnh đạo Kim từng cam kết không thử nghiệm tên lửa tầm xa và đầu đạn hạt nhân. Nếu nhà lãnh đạo Kim vi phạm cam kết của ông với Tổng thống Trump, điều đó có thể dẫn đến phản ứng từ Mỹ.
“Mối quan hệ của tôi với Kim Jong Un thực sự tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta sẽ không tuân thủ thỏa thuận mà chúng tôi đã ký. Tôi hy vọng ông ta sẽ tuân thủ thỏa thuận, nhưng chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm”, Tổng thống Trump nói bên lề hội nghị thượng đỉnh của NATO vào đầu tháng.
Trung Hiếu