“Cứ điểm” dẫn dắt khoa học kỹ thuật Việt Nam phát triển?
Trước đó, TT R&D với tên gọi SVMC được Samsung thành lập từ năm 2013 tại Hà Nội với hình thức là Chi nhánh phụ thuộc của SEV với khoảng 2.000 nhân viên làm việc.
Trong đề xuất mới nhất gửi Chính phủ Việt Nam, SEV đề nghị được tự đầu tư xây dựng tòa nhà phục vụ hoạt động R&D với tổng vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD trên diện tích 11.603m2, quy mô tòa nhà 16 tầng nổi và 3 tầng hầm có khả năng cung cấp diện tích làm việc cho khoảng 3.000 người.
Theo thông tin từ Samsung Việt Nam, không chỉ coi Việt Nam đơn thuần là cứ điểm sản xuất; thông qua việc kết nối giữa sản xuất và nghiên cứu phát triển, Samsung hướng tới việc xây dựng cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam. TT R&D sau khi hoàn thành được cho là trung tâm nghiên cứu phát triển của Samsung lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ngoài việc thực hiện chức năng nghiên cứu cho hai công ty quy mô là SEV tại Bắc Ninh và SEVT tại Thái Nguyên thì TT R&D mới này sẽ còn là nơi triển khai các nghiên cứu thuộc các lĩnh vực liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IOT), dữ liệu lớn (Big Data)….
Cũng theo thông tin từ Samsung Việt Nam, về quy mô nhân lực, với việc xây dựng TT R&D mới, số lượng kỹ sư nghiên cứu sẽ tăng từ 2.200 lên 3.000 người. Đồng nghĩa với việc 3.000 kỹ sư người Việt được coi là nhân tài cốt lõi về R&D với tiêu chuẩn toàn cầu sẽ không ngừng được đào tạo và bồi dưỡng. Và chính những nhân lực này sẽ là thế hệ dẫn dắt sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật Việt Nam.
Nhiều đề xuất ưu đãi
Tại văn bản đề xuất gửi đi từ đầu tháng 8/2019, SEV đã đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách được đánh giá là xin ưu đãi để áp dụng cho TT R&D. Theo đó, TT R&D đề nghị phía Việt Nam cho áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất bao gồm cả các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng dự án, xây dựng văn phòng và các hoạt động sau này.
SEV cũng đề nghị phía Việt Nam đồng ý phân bổ chi phí và nhân lực nghiên cứu phát triển của TT R&D cho SEV tại Bắc Ninh và SEVT tại Thái Nguyên; đồng thời cho cơ chế về giá điện ưu đãi cho cơ sở nghiên cứu khoa học; miễn lệ phí trước bạ cho phần đất chuyển nhượng.
SEV cũng đề xuất Chính phủ, trong trường hợp có nhu cầu, SEV được quyền thay đổi mục tiêu sử dụng tòa nhà TT R&D hoặc được quyền chuyển nhượng tòa nhà gắn với quyền sử dụng đất của dự án này cho một bên khác để thực hiện mục tiêu nghiên cứu phát triển hoặc kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về văn phòng làm việc trong thời gian chưa xây dựng xong TT R&D, SEV tạm thời phải thuê địa điểm mới tại Hà Nội để làm văn phòng làm việc, nên đề nghị được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất cho địa điểm mới thuê.
Đáng chú ý, trước khi đề xuất, SEV được cho là đã thỏa thuận với Cty TNHH Phát triển THT để nhận chuyển nhượng một phần dự án Trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây tại lô đất B1CC3 để triển khai Dự án xây dựng tòa nhà văn phòng cho TT R&D.
Tuy nhiên, theo điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết Khu vực Trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, ô đất B1CC3 được xác định là trung tâm thương mại, văn hóa tổng hợp; hình thức sử dụng đất cũng được xác định là Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm với thời gian thuê đất 50 năm kể từ 20/8/2018, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Vì vậy, nếu đáp ứng yêu cầu của SEV, Hà Nội buộc phải điều chỉnh quy hoạch theo chiều hướng ưu đãi cho doanh nghiệp này.
Trong thông báo phát đi, SEV vẫn cho rằng, những nội dung kiến nghị về ưu đãi mà Samsung đưa ra đều phù hợp với nội dung của luật pháp và quy định hiện hành của Việt Nam. Bên cạnh đó Trung tâm Nghiên cứu phát triển mới chỉ khác Trung tâm Nghiên cứu hiện tại SVMC ở việc mở rộng về quy mô các tòa nhà và mục đích sử dụng vẫn là dùng cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, do đó Samsung đề xuất được nhận những chính sách ưu đãi như đã và đang áp dụng tại SVMC.
Phi Hùng