Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn T&T
Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế VŨ VINH PHÚ với DĐDN trước sự kiện Amazon Global Selling công bố kế hoạch hợp tác cùng Tập đoàn T&T Group với sự hỗ trợ của ngân hàng SHB.
- Lâu nay, người tiêu dùng Việt Nam mới làm quen với việc mua sản phẩm từ các sàn thương mại điện tử của Amazon, nhưng ở chiều bán thì còn gặp rất nhiều trở ngại. Từ sự hợp tác của T&T Group với Amazon liệu sẽ mở ra một “con đường” mới trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam ra thế giới hay không, thưa ông?
Đây là hướng liên kết mà nhà nước và chính phủ rất khuyến khích, các doanh nghiệp trong nước có thể xuất khẩu bằng mọi hình thức, từ trực tiếp, gián tiếp và bây giờ là bằng hình thức online. Với cái “bắt tay” khởi đầu của T&T Group với Amazon là điều đáng mừng. Thậm chí, doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua các kênh bán hàng trên mạng khác ngoài Amazon như Alibaba hay hệ thống đại siêu thị của Aeon, Lotte…
Doanh nghiệp Việt phải linh hoạt, “biến hóa” khi làm thương mại. Điều cần nhất khi các doanh nghiệp hợp tác là sự bền chặt, không để xảy ra như trường hợp giữa Aeon và Fivimart chỉ được vài năm đã nói lời “chia tay”. Không hiểu hai bên vướng mắc điều gì, nhưng sau thời gian ngắn hợp tác đôi bên đã tuyên bố “liên doanh” thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Sự hợp tác giữa T&T Group với Amazon có thể là “điểm nhấn” cho sự công khai, minh bạch trong thương mại của các doanh nghiệp Việt với thị trường thế giới thời gian tới đây. Vì thực tế, sự minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng ở Việt Nam còn khá thấp. Vẫn có sự “lẫn lộn” giữa người kinh doanh giỏi và người kinh doanh kém, người kinh doanh nghiêm chỉnh đôi khi lại “thua lỗ”.
- Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự hợp tác giữa T&T Group với Amazon đánh dấu sự ghi nhận của các Tập đoàn lớn quốc tế đối với vị thế và nâng tầm hình ảnh đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Ông bình luận thế nào về đánh giá này?
T&T Group hay SHB có thể thế giới chưa biết đến nhiều, nhưng khi kết hợp với Amazon thì thương hiệu của doanh nghiệp này sẽ được nâng cao hơn ở tầm quốc tế. Thương hiệu của T&T Group không phải được nâng lên khi bắt tay với “ông lớn” Amazon, mà do T&T Group dám khẳng định và chủ động công khai sự minh bạch từ sản phẩm cho đến quá trình kinh doanh của mình với toàn thế giới thông qua Amazon.
Đã có nhiều doanh nghiệp từng rất “hứng khởi” khi mới hợp tác, nhưng chỉ sau một thời gian đành nói lời “tạm biệt” vì không tin tưởng nhau, thiếu trung thực với nhau. Vào thị trường nào được kiểm soát minh bạch thì lập tức “thất thủ” và không bao giờ có cơ hội phát triển. Và câu hỏi đặt ra cho sự hợp tác này, đó là có chịu đựng được “sóng gió” hay không? Đơn cử như quản lý, kiểm soát của luật pháp không những của Việt Nam mà còn ở tầm… quốc tế.
- Từ câu chuyện này, ông đánh giá thế nào về cơ hội và giải pháp để đấy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam?
Xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng, đặc biệt lợi nhuận có thể tăng gấp ba lần nếu so với xuất khẩu theo cách truyền thống.
Bên cạnh đó, những cam kết về thương mại điện tử trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng mang lại những cơ hội lớn về thương mại điện tử. Việt Nam tuy không phải là một quốc gia có một nền tảng thương mại điển tử mạnh trong các nước thành viên CPTPP, nhưng lại có tiềm lực thị trường lớn. Vì vậy, nắm vững những quy định của CPTPP về thương mại điện tử cũng như nhận định chính xác các thách thức của Việt Nam trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế về thương mại điện tử là đặc biệt quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Việt