Thêm "điểm tựa" cho tỷ giá

Thêm "điểm tựa" cho tỷ giá
Việc Mỹ xóa bỏ mác “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc có thể khiến cặp tỷ giá USD/CNY chuyển động ngược chiều so với năm 2019, qua đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá USD/VND.

Diễn biến tỷ giá USD/VND

Nối dài chuỗi ngày ổn định

Trái với nhiều năm trước, tỷ giá thường có xu hướng tăng mạnh trong những ngày cận Tết Nguyên Đán do lạm phát tăng cao đẩy nhu cầu nắm giữ ngoại tệ tăng theo, nhất là trong bối cảnh người dân dư dả tiền mặt. Tuy nhiên trong 2-3 năm nay, tình trạng đó đã không còn. Năm nay cũng vậy, tỷ giá vẫn bình lặng trong tháng “củ mật” bất chấp áp lực lạm phát thời điểm này lớn hơn nhiều so với cách đây một năm.

Theo đó, tỷ giá trung tâm dù vẫn được NHNN công bố hàng ngày có tăng, có giảm, song mức độ biến động nhìn chung là rất nhỏ. Sáng ngày 14/1, tỷ giá trung tâm được nhà điều hành niêm yết ở mức 23.157 đồng/USD, giảm nhẹ 5 đồng so với phiên trước, song chỉ tăng 2 đồng so với cuối năm 2018. Với biên độ giao dịch +/-3% như hiện tại, tỷ giá sàn là 22.462 đồng/USD và tỷ giá trần là 23.852 đồng/USD. Sở Giao dịch NHNN cũng điều chỉnh giá bán ra USD xuống còn 23.802 đồng/USD, thấp hơn tỷ giá trần 50 đồng, trong khi vẫn giữ giá mua vào ở mức 23.175 đồng/USD.

Trong khi đó, giá mua – bán USD tại các nhà băng vẫn hầu như bất động từ nhiều ngày nay. Hiện giá mua vào USD của các nhà băng xoay quanh 23.100 đồng/USD, còn giá bán ra xoay quanh 23.220 đồng/USD. Đơn cử, sáng ngày 14/1, Vietcombank niêm yết giá giao dịch USD ở mức 23.080 đồng/USD (mua vào) và 23.230 đồng/USD (bán ra), không thay đổi so với hôm trước. BIDV và VietinBank cũng giữ nguyên giá mua bán USD ở mức 23.110/23.230 đồng/USD

Như vậy, hiện tỷ giá trung tâm vẫn đang dao động trong khoảng giữa giá mua và giá bán của các ngân hàng. Theo các chuyên gia ngoại hối, đó là một khoảng “chuẩn” cho thấy tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh về sát với tỷ giá thực. “Việc tỷ giá trung tâm về sát với tỷ giá thực không những nâng cao hiệu quả điều hành tỷ giá trung tâm, mà còn tăng độ linh hoạt cho các ngân hàng khi có được một khoảng khá rộng để điều chỉnh tỷ giá theo diễn biến thị trường”, một chuyên gia cho biết.

Trong năm 2019 cũng vậy, bất chấp việc thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động, song thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước vẫn rất bình lặng và VND là một trong số ít các đồng tiền trong khu vực cũng như trên thế giới duy trì được sự ổn định trong suốt năm qua. Tính chung trong năm qua, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 30 đồng, tương đương tăng khoảng 1,45%; trong khi giá mua – bán USD của các ngân hàng thậm chí còn giảm nhẹ so với cuối năm 2018. Đặc biệt, NHNN còn mua vào tới hơn 20 tỷ USD để nâng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục 79,9 tỷ USD, gấp đôi thời điểm 2015.

Bước đệm cho tỷ giá

Nhận định về diễn biến tỷ giá năm 2020, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng áp lực lên tỷ giá năm nay sẽ lớn hơn nhiều so với năm trước. Thứ nhất, do hoạt động xuất khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng vì chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng lan rộng. Đặc biệt, Chính phủ dự kiến cán cân thương mại năm nay sẽ thâm hụt nhẹ khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu thay vì thặng dư tới hơn 11 tỷ USD trong năm qua (theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, năm 2019 xuất siêu gần 11,12 tỷ USD). Thứ hai, áp lực lạm phát năm nay cũng lớn hơn nhiều. Thứ ba, việc chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng hơn trong nửa cuối năm 2019 cũng sẽ tạo áp lực đến tỷ giá và lạm phát trong năm nay.

Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế vẫn tiếp tục dồi dào do nguồn giải ngân vốn FDI, hoạt động M&A và dòng kiều hối… sẽ hỗ trợ ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ dồi dào cũng tăng khả năng can thiệp của NHNN khi cần để ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá bên cạnh cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm. Ngoài ra, nỗi lo bị Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” cũng khiến tỷ giá trong nước sẽ không biến động mạnh.

Chưa hết việc Mỹ loại Trung Quốc ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ cộng thêm việc hai nước này đang chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ khiến đồng CNY của Trung Quốc lấy lại những gì đã mất so với đồng USD trong năm qua. USD giảm giá, trong khi CNY tăng giá cũng sẽ làm giảm bớt áp lực đến tỷ giá trong nước.

Nhớ lại thời điểm đầu tháng 8/2019, sau khi Trung Quốc bất ngờ giảm giá mạnh đồng CNY vượt qua lằn ranh đỏ 7 CNY/USD, Mỹ lập tức gắn mác “thao túng tiền tệ” đối với nước này. Động thái này đẩy CNY tiếp tục giảm sâu, có thời điểm giao dịch ở mức 7,2 CNY/USD, thấp nhất trong 10 năm qua.

CNY giảm giá đã kéo nhiều đồng tiền trong khu vực giảm theo, qua đó tạo sức ép lớn đến tỷ giá trong nước do Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Thậm chí thời điểm đó đã có nhiều chuyên gia lên tiếng đề nghị phá giá VND tương ứng để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc.

Cũng chính bởi vậy, nếu CNY tăng giá và USD giảm giá sẽ là một điểm tựa rất lớn để tỷ giá trong nước tiếp tục duy trì sự ổn định trong năm nay.

Hà Anh

Tags: Usd/cny Tỷ Giá Nhnn Ngân Hàng Nhà Nước Usd