Ảnh: Hà Linh
Ngành bán lẻ Việt Nam năm 2019 chứng kiến nhiều biến động lớn, với nhiều thương vụ mua bán sáp nhập quy mô trong mảng siêu thị và nhiều thương mại điện tử ngừng hoạt động
Saigon Co.op mua lại Auchan, VinGroup từ bỏ mảng bán lẻ
Báo cáo mới đây về ngành bán lẻ của công ty Chứng khoán Vietcombank VCBS năm 2019 cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chứng kiến một năm sôi động của hoạt động mua bán, sáp nhập.
Mở đầu cho làn sóng M&A ngành bán lẻ năm nay là thương vụ chấn động giữa Vincommerce và Shop&Go vào tháng 4/2019. Theo đó, CTCP Thương mại Tổng hợp VinCommerce, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động mang thương hiệu Shop&Go với giá 1 USD. Sau khi nhượng lại, Shop & Go sẽ bàn giao gồm cả tài sản, mặt bằng và một số khoản nợ.
Tháng 6/2019, thị trường bán lẻ lại tiếp tục xáo động khi xuất hiện thông tin đại gia bán lẻ Pháp - Auchan bán lại 18 siêu thị tại Việt Nam cho Saigon Co.op để rút toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam sau nhiều năm đổ vốn kinh doanh. Điều này giúp củng cố thêm vị thế cho ông lớn bán lẻ nội địa vốn đứng đầu về doanh thu trong nhiều năm qua. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp trong nước đã rất nỗ lực để nâng cao thị phần. “Nếu như trước đây hoạt động mua bán, sáp nhập trong ngành bán lẻ chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài mua lại thì giờ đây doanh nghiệp Việt Nam đã rất tích cực để đảo ngược tình thế”.
Tháng 8/2019, 8 siêu thị Queenland Mart chính thức sáp nhập với hệ thống VinMart, nâng tổng số điểm bán VinMart lên 120. Tại thời điểm này, Vingroup sở hữu chuỗi siêu thị lên tới 2.122 điểm bán.
Mới đây nhất, tháng 12/2019, Tập đoàn Vingroup tuyên bố rút lui khỏi mảng bán lẻ đã gây xôn xao dư luận. Theo đó, VinCommerce, công ty con sở hữu các chuỗi VinMart, VinMart+, sẽ sáp nhập vào Masan để tập trung nguồn lực cho Công Nghiệp – Công nghệ.
Tại thời điểm rút lui khỏi mảng bán lẻ, Vincommerce có khoảng 2.600 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+. Với số lượng điểm bán khổng lồ, mảng bán lẻ của Vingroup đang dẫn đầu thị trường về quy mô, và vượt xa các đối thủ còn lại như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra…
Loạt ông lớn thương mại điện tử rút lui
Năm 2019, bán lẻ trực tuyến chứng kiến việc hàng loạt trang thương mại điện tử đóng cửa như: Robins.vn (Central Group), Adayroi.com (Vingroup) và Lotte.vn (Lotte).
Mới đây nhất, Lotte.vn đã có thông báo gửi đến đối tác bán hàng, doanh nghiệp cho biết, trang thương mại điện tử này sẽ chính thức ngừng bán hàng từ 20/2/2020 và được sáp nhập vào Speedl.vn. Lý do được đưa ra là công ty chủ quản muốn thay đổi kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Theo thông báo, website Lotte.vn sẽ ngừng hoạt động kể từ ngày 20/1/2020 và các đối tác, đơn vị cung cấp sẽ có thời hạn tới ngày 20/2/2020 để giải quyết hết công nợ với đơn vị chủ quản.
Hồi đầu tháng 12, Vingroup đã phát đi thông báo sẽ sáp nhập Adayroi vào VinID, trước khi công bố việc sàn thương mại điện tử sẽ ngừng hoạt động kể từ tháng 12/2019.
Trước đó, vào tháng 3/2019, website thương mại điện tử Robins.vn cũng bất ngờ thông báo tạm ngừng hoạt động tại Việt Nam. Đại diện truyền thông của tập đoàn Central Group Việt Nam, cho biết nguyên nhân Robins.vn ngừng hoạt động để thực hiện chiến lược tái cấu trúc, thúc đẩy hơn nữa sức tăng trưởng kinh doanh của tập đoàn tại thị trường Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định, những trang thương mại điện tử này đều được đánh giá là kinh doanh chưa hiệu quả, trong đó dễ nhận thấy nhất là số lượt truy cập website. Cụ thể, thống kê của thống kê của iPrice Insights và SimilarWeb cho thấy, Lotte.vn và Robins.vn chưa bao giờ xuất hiện trong top 5 trang thương mại điện tử có lượt truy cập cao nhất Việt Nam. Tại thời điểm tháng 9/2019, Lotte.vn chỉ xếp thứ 23 về lượng truy cập, thua xa các đối thủ như Lazada, Shopee, Tiki hay Sendo. Trong khi đó, Adayroi cũng chưa từng chạm mốc 10 triệu lượt truy cập website/tháng, con số này của Shopee, Lazada, Tiki và Sendo luôn duy trì ổn định từ 20-40 triệu trong hơn 1 năm qua.
Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ chạm mốc 4,6 tỷ USD trong năm nay và đạt 23 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt, chi phí đầu tư lớn, trong khi đó quy mô thị trường chưa đủ lớn, nên các doanh nghiệp khó có thể tìm được điểm hòa vốn. Việc rơi vào thua lỗ khiến nhiều công ty phải dừng cuộc chơi.
Hà Linh