Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 chịu tác động mạnh mẽ của cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong. Ảnh: Lê Tiên
Thanh khoản gặp khó
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong năm 2019 là Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, nâng cao tính minh bạch trên thị trường và năng lực giám sát, quản lý nhà nước đối với TTCK.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện lộ trình đưa các sản phẩm mới vào giao dịch và nâng cao chất lượng chỉ số, UBCKNN đã yêu cầu 2 sở giao dịch chứng khoán tập trung xây dựng bộ chỉ số phục vụ triển khai sản phẩm mới cho thị trường phái sinh.
Về công tác quản lý hoạt động phát hành chứng khoán, quản lý công ty đại chúng, UBCKNN đã xem xét và chấp thuận cho hơn 370 hồ sơ phát hành chứng khoán cho các doanh nghiệp. Công tác thanh tra cũng được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.
Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý TTCK, bên cạnh các kết quả đã đạt được của thị trường vốn và sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, TTCK vẫn tồn tại một số hạn chế và chưa thực sự bền vững.
Cụ thể, thanh khoản thị trường giảm mạnh do tác động của yếu tố khách quan, các chỉ số như Vn-Index, VN30 biến động bất thường với tần suất dày trong một số giai đoạn nhất định. Tổng thể quy mô của thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS), thị trường trái phiếu vẫn còn nhỏ, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Cơ sở nhà đầu tư chưa cân bằng và bền vững khi số lượng nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng dân số - mức khá thấp so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn là đối tượng chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu, các nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ.
Tính minh bạch trên trên thị trường cần tiếp tục được cải thiện. Một số công ty đại chúng chưa chủ động trong việc công khai các thông tin về tình hình hoạt động, sử dụng vốn, quản trị công ty, số liệu tại báo cáo tài chính vẫn còn sai sót.
Ngoài ra, trên thị trường vẫn có những hiện tượng thao túng, nội gián; trong khi đó, việc kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm về thao túng, nội gián còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế
Đánh giá sự phát triển của thị trường vốn trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, dù chịu tác động bởi tình hình thế giới đầy biến động song hoạt động huy động vốn qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực.
Nhiều sản phẩm mới ra đời, trong đó có TTCKPS tăng trưởng vượt kỳ vọng. Giá trị vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào ròng 2,7 tỷ USD cho thấy sự tin tưởng của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đối với TTCK Việt Nam.
Về hướng phát triển thị trường trong năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra một số giải pháp cần tập trung triển khai. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán (sửa đổi) trước khi có hiệu lực từ năm 2021 .
Tiếp tục cơ cấu lại TTCK, thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Cùng với đó là cơ cấu lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường phái sinh.
Tiếp đến, đổi mới đồng bộ hệ thống thông tin cho TTCK thông qua việc tiếp nhận, nghiệm thu gói thầu công nghệ thông tin cho thị trường trong năm 2020. Các cơ quan liên quan cần tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp tăng thanh khoản cho thị trường, phòng ngừa và xử lý các tình huống khi rủi ro phát sinh. Cuối cùng, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Xuân Yến