Dầu thấp nhất 1 năm
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 năm sau hàng trăm trường hợp nhiễm virus corona mới tại châu Âu và Trung Đông, dấy lên mối lo ngại nhu cầu năng lượng sẽ giảm và lo ngại virus có thể lây lan khắp nước Mỹ.
Chốt phiên giao dịch ngày 26/2, dầu thô Brent giảm 1,52 USD tương đương 2,77% xuống 53,43 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,17 USD tương đương 2,34% xuống 48,73 USD/thùng. Trong đầu phiên giao dịch, cả hai đều chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019 với dầu Brent xuống 53,03 USD/thùng và dầu thô Mỹ giảm xuống 48,3 USD/thùng.
Giá dầu theo xu hướng thị trường chứng khoán toàn cầu giảm sau báo cáo 83 người đang được theo dõi về khả năng phơi nhiễm virus corona tại New York. Các trường hợp virus đầu tiên được xác nhận tại các quốc gia bao gồm Hy Lạp, Georgia và Brazil, trong khi các nhà chức trách ban hành các hạn chế đi lại và kiểm dịch trên nhiều lục địa.
Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm bởi tồn trữ dầu thô Mỹ tăng 452.000 thùng lên 443,3 triệu thùng, song vẫn thấp hơn dự kiến tăng 2 triệu thùng của các nhà phân tích, Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết.
Đồng thời, giá dầu sưởi ấm tại Mỹ cũng chạm mức thấp nhất kể từ năm 2017, do nhu cầu diesel giảm bởi virus corona lây lan mạnh.
Goldman Sachs cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2020 xuống 600.000 thùng/ngày từ mức 1,2 triệu thùng và giảm dự báo giá dầu Brent xuống 60 USD/thùng từ mức 63 USD/thùng. Triển vọng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cũng giảm xuống mức thấp nhất 1 thập kỷ, giám đốc điều hành Fatih Birol thuộc IEA cho biết.
Khí tự nhiên giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm theo xu hướng giá dầu thô giảm do virus corona lây lan, bất chấp dự báo thời tiết đến giữa tháng 3/2020 lạnh hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York giảm 2,6 US cent tương đương 1,4% xuống 1,821 USD/mmBTU. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2020 giảm hơn 1 US cent xuống 1,837 USD/mmBTU.
Tính đến nay giá khí tự nhiên giảm 37% kể từ mức cao nhất 8 tháng (2,905 USD/mmBTU) trong đầu tháng 11/2019.
Vàng tăng trở lại, bạch kim thấp nhất 2 tháng
Giá vàng tăng sau khi giảm mạnh phiên trước đó do lo ngại về virus corona bùng phát và tác động đối với nền kinh tế toàn cầu, làm gia tăng kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn sẽ cắt giảm lãi suất.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.645,79 USD/ounce sau khi giảm hơn 1,5% trong phiên trước đó, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn New York giảm 0,4% xuống 1.643,1 USD/ounce.
Tính từ đầu tháng đến nay, giá vàng tăng hơn 3%, đạt mức cao nhất 7 năm (1.688,66 USD/ounce) trong đầu tuần này do virus corona lây lan mạnh làm gia tăng mối lo ngại về suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, giá bạch kim giảm 1,5% xuống 911,79 USD/ounce, thấp nhất trong hơn 2 tháng.
Đồng thấp nhất 3 tuần
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do lo ngại nhu cầu suy giảm bởi virus corona lây lan ngoài Trung Quốc.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,3% xuống 5.670 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 5.623,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 4/2/2020.
Ngoài ra, giá đồng chịu áp lực giảm bởi tồn trữ đồng tại London tăng gần 40% tương đương 61.175 tấn lên 221.425 tấn trong 1 ngày, cao nhất kể từ tháng 11/2019.
Thép và quặng sắt giảm
Giá thép tại Trung Quốc giảm do lo ngại virus corona lây lan mạnh sẽ trở thành 1 đại dịch toàn cầu, song kỳ vọng nhu cầu trong quý 2/2020 sẽ tăng đã hạn chế đà suy giảm.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,4% xuống 3.447 CNY (491,53 USD)/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,3% và giá thép không gỉ giảm 2,6%.
Mối lo ngại về virus corona lây lan mạnh đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thép, làm tê liệt thương mại thép toàn cầu và ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thép Trung Quốc – chiếm khoảng 1/2 sản lượng thép toàn cầu.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 2,8% sau 10 phiên tăng liên tiếp. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay ở mức 91,5 USD/tấn sau khi tăng lên mức cao nhất trong gần 5 tuần (93 USD/tấn) trong ngày 24/2/2020.
Cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm phiên thứ 2 liên tiếp do virus corona bùng phát ngoài Trung Quốc và sau khi một quan chức y tế cấp cao của Mỹ cho rằng đại dịch là không thể tránh khỏi và kêu gọi người Mỹ chuẩn bị.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn TOCOM giảm 2 JPY xuống 182,9 JPY (1,7 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 85 CNY xuống 11.325 CNY (1.615 USD)/tấn.
Đường giảm, cà phê tăng
Giá đường giảm do giá dầu thô Mỹ giảm dưới 50 USD/thùng sau khi châu Á, châu Âu và Trung Đông cho biết, hàng trăm trường hợp nhiễm virus corona mới và Mỹ cảnh báo về đại dịch không thể tránh khỏi.
Giá đường thô kỳ han tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,4 US cent tương đương 2,7% xuống 14,74 US cent/lb, thấp nhất 2 tuần (14,8 US cent/lb). Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn London giảm 9,9 USD tương đương 2,4% xuống 402,8 USD/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2020 (400 USD/tấn).
Trong khi đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE tăng 1,3 US cent tương đương 1,2% lên 1,0975 USD/lb. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 4 USD tương đương 0,3% lên 1.286 USD/tấn.
Đậu tương và khô đậu tương tăng, ngô và lúa mì giảm
Giá đậu tương tại Mỹ tăng từ mức giảm mạnh trong đầu tuần này, do những thay đổi về thuế xuất khẩu của Argentina có thể làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu từ nhà cung cấp đậu tương lớn.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 3-3/4 US cent lên 8,92 USD/bushel, tăng phiên thứ 2 liên tiếp sau khi giảm mạnh xuống mức thấp nhất 9 tháng trong ngày 24/2/2020. Giá khô đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 4,4 USD lên 297,4 USD/tấn, tăng mạnh nhất trong gần 3 tháng. Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 1 US cent xuống 3,75-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì mềm, đỏ vụ đông giao cùng kỳ hạn giảm 2 US cent xuống 5,35 USD/bushel.
Giá đậu tương và khô đậu tương kỳ hạn tăng trở lại sau thông tin cho rằng, Bộ Nông nghiệp Argentina đã đình chỉ việc đăng ký xuất khẩu nông sản cho đến khi có thông báo mới. Động thái này được cho là thuế xuất khẩu ngũ cốc dưới chính phủ Peronist mới của nước này sẽ tăng mạnh.
Sự gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh tế tại Trung Quốc – nơi virus lần đầu tiên phát triển – làm giảm kỳ vọng nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc sẽ tăng theo thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" đã ký giữa Washington và Bắc Kinh.
Dầu cọ tăng trở lại
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng được hỗ trợ bởi đồng ringgit suy yếu và hoạt động mua vào kiếm lời, song mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại virus corona bùng phát có thể thành đại dịch.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 16 ringgit tương đương 0,66% lên 2.454 ringgit (579,46 USD)/tấn. Tuy nhiên, trong 2 phiên liên tiếp trước đó giá dầu cọ giảm tổng cộng 7%.
Đồng ringgit – tiền tệ giao dịch dầu cọ - giảm 0,1% so với đồng USD, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Malaysia, khiến dầu nhiệt đới mua bằng đồng ringgit rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/2
Minh Quân