Thị trường vàng, chứng khoán châu Á đón nhận tín hiệu lạc quan

Thị trường vàng, chứng khoán châu Á đón nhận tín hiệu lạc quan
Đà tăng đồng bộ tại thị trường chứng khoán châu Á diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu, sau khi Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Thị trường vàng, chứng khoán châu Á đón nhận tín hiệu lạc quan.

Chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm trong phiên chiều 2/1, khi thị trường phản ứng tích cực trước việc Chính phủ Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích mới nhằm đảm bảo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.

Đà tăng khá đồng bộ tại thị trường chứng khoán châu Á diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu, sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, giúp "hạ nhiệt" căng thẳng giữa hai bên. Bên cạnh đó, sự không chắc chắn của tiến trình Brexit về cơ bản đã được gỡ bỏ.

Chốt phiên giao dịch ngày 2/1, chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu làn sóng tăng điểm của khu vực sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, giúp giải phóng hơn 100 tỷ USD để cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu vốn.

Giới quan sát cho rằng PBoC sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách trong năm 2020 khi Bắc Kinh đang cố gắng đảm bảo đà tăng trưởng vẫn thuộc ngưỡng mục tiêu 6%. Các chuyên gia cũng nhận định xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ diễn ra trên hầu khắp các nước châu Á và Thái Bình Dương trong năm nay.

Cũng trong phiên này, các thị trường chứng khoán Sydney (Australia), Singapore, Đài Bắc (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ) và Bangkok (Thái Lan) cũng nằm trong vùng tăng điểm. Chứng khoán Tokyo sẽ đóng cửa nghỉ lễ trong cả tuần này.

Tuy nhiên, chứng khoán Hàn Quốc lại đi ngược xu hướng tăng của khu vực. Chỉ số KOSPI tại thị trường Seoul phiên này để mất tới 1,02% (22,5 điểm) và chốt phiên ở mức 2.175,17 điểm. Sự suy giảm này một phần do hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư, cùng với đó là những diễn biến căng thẳng mới trên Bán đảo Triều Tiên.

Còn tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 2/1, chỉ số VN-Index tăng 5,68 điểm lên 966,67 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 200,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 3.571,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 202 mã tăng giá, 40 mã đứng giá và 148 mã giảm giá.

Chỉ số HNX-Index tăng 0,48 điểm lên 102,99 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 24,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 253,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 67 mã tăng giá, 47 mã đứng giá và 68 mã giảm giá.

Thị trường vàng châu Á cũng đón nhận những tín hiệu lạc quan trong phiên chiều 2/1, khi đồng USD “lơ lửng” gần mức thấp nhất trong sáu tháng qua, giữa lúc thị trường đồn đoán rằng "màn trình diễn" khởi sắc của nền kinh tế Mỹ có thể sắp kết thúc.

Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.520,38 USD/ounce vào lúc 14 giờ 13 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn không đổi ở mức 1.523,20 USD/ounce.

Đồng USD đã khởi đầu năm mới 2020 dưới áp lực giảm khi các nhà đầu tư nhận định chu kỳ tăng trưởng “xuất sắc” của nền kinh tế Mỹ có thể sắp kết thúc.

Tuy nhiên, đà tăng của vàng cũng bị hạn chế phần nào trong phiên này do thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm.

Việc Trung Quốc nới lỏng chính sách cùng niềm tin rằng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ sớm ký kết một thỏa thuận thương mại đã tạo đà đi lên cho chứng khoán khu vực.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,2% lên 17,86 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,4% lên 966,37 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, vào lúc 15 giờ 35 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 42,29-42,66 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

H.Thủy 

Tags: Chứng Khoán Châu Á Thị Trường Vàng Giá Vàng Usd