Dệt may là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Đức Thanh
3. Theo WB, các nước phát triển đang phải đối mặt với rủi ro kinh tế và thách thức lớn nhất đối với tất cả các quốc gia là thuế quan tăng dẫn đến chi phí thương mại tăng và sự không chắc chắn trong quan hệ kinh tế giữa các nhà đầu tư. Thêm vào đó, một số tổ chức quốc tế, trong đó có WTO, đang trải qua thời kỳ tồi tệ.
Từ khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, viện nghiên cứu theo dõi, dự báo tình hình, đề ra các kịch bản và giải pháp ứng phó. Do vậy, nước ta đã chủ động trong hội nhập, đầu tư và thương mại quốc tế, đồng thời tăng cường nguồn lực quốc gia, năng lực chống chịu, với sự linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô, nên về cơ bản, dù tình hình chính trị, kinh tế và thị trường thế giới diễn biến khá phức tạp, khó khăn ở trong nước không hề nhỏ, nhưng năm 2019 tiếp tục đạt được thành tựu kinh tế - xã hội to lớn.
Trong năm qua, kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam đạt hơn 500 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD. Việt Nam đã đủ năng lực về nhân lực chất lượng cao với chi phí hợp lý để tiếp nhận một số nhà máy FDI chuyển từ Trung Quốc đến. Đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại nước ta gia tăng nhanh chóng, có lợi cho cả hai bên khi họ tránh được mức thuế quan rất cao của Mỹ, lại tận dụng được nguyên tắc xuất xứ từ Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Những lo ngại về hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn sang Việt Nam bóp chết sản xuất trong nước đã không diễn ra, bởi nước ta đã có đủ năng lực sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh.
Điều đáng lo ngại và đã từng xảy ra là một số doanh nghiệp Trung Quốc móc ngoặc với nhà sản xuất Việt Nam để gắn mác “made in Vietnam” vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, điển hình là vụ 1,8 triệu tấn nhôm của doanh nghiệp Trung Quốc tại Bà Rịa - Vũng Tàu được nhập khẩu từ cuối năm 2017 đến tháng 10 năm 2019. Nếu vụ việc này không được phát hiện và xử lý kịp thời thì không biết nước ta sẽ thiệt hại bao nhiêu khi nhôm được xuất sang Mỹ.
Từ vụ việc trên, không những cần nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, giáo dục các chủ doanh nghiệp về ý thức chấp hành luật pháp, tuân thủ các cam kết quốc tế, bao gồm nguyên tắc xuất xứ sản phẩm, không móc ngoặc với doanh nghiệp nước ngoài để trục lợi bất chính.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn I sẽ có tác động đến kinh tế, đầu tư và thương mại quốc tế của Việt Nam.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 47,52 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 12,75 tỷ USD, tương ứng gấp 5 lần và 8 lần so với năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO. Trong năm 2018, Việt Nam xuất siêu 34,77 tỷ USD và Mỹ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước xuất siêu vào thị trường Mỹ.
Với tốc độ gia tăng như vừa qua, Việt Nam có thể xuất siêu nhiều hơn nữa. Đây là vấn đề cần được Bộ Công thương lưu ý để hướng dẫn các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này cần thực hiện các quy tắc nhập khẩu hàng hóa của Bộ Thương mại Mỹ, hạn chế các vụ kiện bán phá giá, kịp thời có giải pháp xử lý khi có dấu hiệu gây khó khăn cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngày 14/1/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, đưa ra Danh sách 10 quốc gia cần giám sát gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia, Thụy Sỹ và Việt Nam.
Lần đầu tiên nước ta lọt vào danh sách này là tháng 5/2019. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam có thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ 47 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương 1,7% GDP, can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP.
Vấn đề ngoại hối, tỷ giá, điều hành chính sách tiền tệ luôn nằm trong tầm ngắm của Bộ Tài chính Mỹ. Nếu nước ta bị coi là “quốc gia thao túng tiền tệ”, thì sẽ phải chịu áp lực lớn từ phía Mỹ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ làm việc với Bộ Tài chính Mỹ để giải quyết vấn đề này.
Thị trường chứng khoán thế giới phản ứng khá nhạy bén với diễn biến quan hệ Mỹ - Trung. Trước thông tin ký kết Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn I, kết thúc hai phiên ngày 12 và 13/12/2019, chỉ số Dow Jones tăng 0,8%, chỉ số S&P 500 tăng 0,81%, NASDAQ tăng 0,93%. Tại châu Á, ngày 13/12/2019, các chỉ số thị trường chứng khoán của Hồng Kông tăng 2,11%, Trung Quốc (Shanghai Composite) tăng 1,78%. Biến động của thị trường chứng khoán thế giới sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quan hệ Mỹ - Trung dự báo diễn biến khó lường bởi cách tiếp cận từng vấn đề trong quan hệ giữa hai nước còn khoảng cách khá lớn, trong khi niềm tin giảm sút, nên cách hữu hiệu nhất là theo dõi, nắm bắt thông tin kịp thời, chuẩn bị trước các kịch bản ứng phó, trang bị kiến thức cho các chủ doanh nghiệp có quan hệ thương mại với hai siêu cường để có năng lực thích ứng với mọi tình huống.
GS-TSKH Nguyễn Mại