Theo thông báo này, việc triển khai dự án điện mặt trời nêu trên kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (theo danh mục chi tiết được Bộ Công thương đề xuất tại văn bản 8155/BCT-ĐL), đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 để truyền tải, giải toả hết công suất nhà máy điện mặt trời nay và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia.
Bộ Công thương được giao nhiệm vụ, xác định rõ các yêu cầu về phạm vi đầu tư, quản lý vận hành và các vấn đề liên quan khác theo báo cáo tại văn bản 8155/BCT=ĐL) để hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư, quản lý quá trình đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ này cũng được yêu cầu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo 402/TB-VPCP về nghiên cứu, xử lý triệt để những vấn đề vướng mắc về giải toả công suất các nhà máy điện mặt trời đang hoạt động, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng lưới điện để truyền tải hết công suất các nhà máy điện mặt trời đang vận hành thương mại theo quy định, không để xẩy ra tình trạng giảm phát các nhà máy điện làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại với nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện khó khăn về cung ứng điện hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời nêu trên, kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch.
Điều đáng chú ý là Dự án điện mặt trời được nhắc tới ở đây đã từng được Bộ Công thương trình lên Chính phủ cho bổ sung quy hoạch điện với tên gọi Dự án Nhà máy điện Trung Nam do Công ty Trung Nam đầu tư đề xuất ngoài Nhà máy điện mặt trời 450 MW, còn xây dựng các trạm biến áp 35/220/500 kV với quy mô công suất 3 x 900 MVA.
Giai đoạn năm 2020 lắp trước 2 máy biến áp (MBA) 900 MVA vận hành đồng bộ với nhà máy. Đầu tư đường dây 500 kV mạch kép dài 15,5 km để đấu nối về trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân của ngành điện; xây dựng 4 mạch đường dây 220 kV dài khoảng 1 km từ trạm biến áp của Nhà máy tới các trục đường dây truyền tải quốc gia…
Tổng mức đầu tư dự án là 11.814 tỷ đồng, trong đó Nhà máy điện mặt trời là 9.493 tỷ đồng; trạm biến áp và các đường dây đấu nối là 2.321 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự tính vốn tự có là 30%, vốn vay là 70%.
Trong đề nghị của tỉnh Ninh Thuận về bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia nêu rõ, Công ty Trung Nam cam kết, nguồn vốn thực hiện Dự án do chủ đầu tư tự thu xếp, không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước; trạm biến áp 500 kV và các đường dây đấu nối sẽ đi vào vận hành trong năm 2020.
Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho EVN quản lý, không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư. Trong trường hợp EVN không tiếp nhận bàn giao, chủ đầu tư sẽ tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống theo cơ chế thống nhất với EVN và EVNNPT.
Chủ đầu tư cũng cam kết cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Thuận Nam tham gia đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận.
Riêng với tỉnh Ninh Thuận, dù có Nghị quyết 115/2018/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ địa phương, trong đó có cho phép kéo dài thời gian hưởng ưu đãi giá bán điện 9,35 UScent/kWh tới hết năm 2020, song lại giới hạn ở mức công suất không vượt quá 2.000 MW.
Tại Ninh Thuận, các dự án điện mặt trời được bổ sung cấp tập vào Quy hoạch Điện VII trong năm 2018 đã chạm mức công suất 2.000 MW và vẫn còn vài chục dự án khác, với quy mô hàng ngàn MW đang xếp hàng chờ được bổ sung.
Chính vì vậy, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng đã nhận xét, nếu cho phép Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam hưởng mức giá điện 9,35 UScent/kWh, thì các dự án điện mặt trời khác cũng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang chờ bổ sung Quy hoạch có được áp dụng mức giá này không?
Thanh Hương