Nhận xét này được người đứng đầu Chính phủ nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, giao nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tổ chức chiều ngày 17/1.
"Không đầu tư thì khó có thể phát triển. Đây là nền tảng quan trọng của kinh tế. Trong khi đó, giải ngân FDI năm nay đạt trên 20 tỷ USD, nền kinh tế có thêm 140 nghìn doanh nghiệp tư nhân với số vốn bình quân 12 tỷ đồng. Nếu chúng ta không đầu tư phát triển thì sẽ thất bại, thua cuộc ngay trên sân nhà", Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cho biết, trong năm 2019 tất cả tập đoàn, tổng công ty đều không hoàn thành được kế hoạch đầu tư phát mà Ủy ban đã phê duyệt, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư "khá thấp". Hầu hết dự án đầu tư lớn đều gặp tình trạng chậm tiến độ, đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Siêu ủy ban tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước với nền tảng công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, tiếp tục đưa doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí then chốt. Thủ tướng khẳng định nền kinh tế không thể thiếu những "quả đấm thép". Nhưng nếu doanh nghiệp Nhà nước không vươn lên thì "quả đấm thép" có thể là doanh nghiệp tư nhân.
Đánh giá hoạt động của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước năm 2019, Thủ tướng cho rằng đã có những nét tích cực dù chỉ mới đi vào hoạt động được hơn một năm. Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2019, với doanh thu, lợi nhuận tăng lên, vốn nhà nước được bảo toàn.
Tuy vậy, hoạt động của cơ quan này cũng tồn tại nhiều điểm hạn chế, như còn tình trạng chậm thực hiện một số công việc quan trọng, chậm phê duyệt chức danh quản lý của một số tập đoàn, tổng công ty, chậm cổ phần hóa thoái vốn. Còn một số tập đoàn, tổng công ty chưa hoàn thành nhiệm vụ lợi nhuận, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước.
Việc sắp xếp lại nhà, đất của các tổng công ty, tập đoàn cũng còn nhiều vướng mắc khiến cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm. Cán bộ tập đoàn chậm củng cố, chậm thay đổi. Một số cán bộ chưa bám thực tiễn nên giải quyết nhiệm vụ chưa thuyết phục, gây chậm trễ thời gian dài. Chất lượng thẩm định, phê duyệt đối với một số dự án đầu tư còn thấp.
Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Hoạt động của Ủy ban phải gắn liền với các tập đoàn, tổng công ty về mọi mặt. Quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp được giao, đặc biệt là trong vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Minh Sơn