Môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ nhưng còn không ít vướng mắc.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh điều này khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về quyết tâm và các giải pháp của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Năm thứ hai liên tiếp, ngay từ ngày đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Trước hết, phải nhắc tới những tác động, kết quả từ việc Chính phủ ban hành, triển khai các Nghị quyết 19 trước đây và Nghị quyết 02 năm 2019. Bên cạnh những kết quả đo đếm được như tăng điểm số, tăng xếp hạng theo các tổ chức quốc tế, tôi chú ý tới những những tác động không nhìn thấy một cách rõ ràng, tác động ngầm tạo nền tảng duy trì cải cách.
Với việc tiếp tục ban hành Nghị quyết 02, Chính phủ thể hiện quyết tâm ngày càng mạnh mẽ, bền bỉ, quyết liệt, ngày càng toàn diện trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Cùng với đó, việc thực thi các Nghị quyết này đã làm thay đổi tư duy của các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành nghị quyết. Khi Nghị quyết 19 mới được ban hành lần đầu, vẫn có tâm lý làm cho xong, đối phó, thậm chí phản ứng, thì cho tới nay, các cơ quan đều đồng tình, chỉ có một số cơ quan băn khoăn về tính khả thi của các giải pháp và mục tiêu cải cách.
Thêm vào đó, nếu trước đây các cơ quan thường chỉ dừng lại ở các “cải cách trên giấy”, như công bố cắt giảm bao nhiêu hồ sơ, thủ tục… thì nay chỉ những cải cách thực chất, doanh nghiệp cảm nhận thấy mới được ghi nhận. Nhiều bộ ngành thậm chí đã đặt hàng các hiệp hội doanh nghiệp điều tra độc lập về tác động của cải cách. Tiếng nói của doanh nghiệp ngày càng được coi trọng.
Một điểm khác nữa, trước đây nhiều công cụ quản lý rất lạc hậu, thiên về kiểm soát cơ học, quản lý bằng mọi giá, quản lý theo quy trình mà không chú ý đến kết quả và hiệu quả, ít khi tính đến chi phí cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý, cho xã hội. Nay, đã chuyển dần sang mục tiêu quản lý tốt nhưng phải bằng biện pháp ít tốn kém nhất, nếu quá đắt đỏ thì phải tìm phương pháp quản lý mới.
Theo quan sát của ông, so với Nghị quyết 02 năm 2019 thì đâu là khác biệt và điểm nhấn trong Nghị quyết 02 năm nay?
Nghị quyết 02 năm 2019 là một hệ thống toàn diện các giải pháp và năm nay, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết đó.
Nghị quyết 02 năm nay nhấn mạnh hơn một số nhiệm vụ trọng tâm, cải cách ưu tiên để tạo ra đột phá. Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết nhấn mạnh hơn vai trò của cơ quan đầu mối, không chỉ là cơ quan theo dõi, đôn đốc mà còn phải hỗ trợ chuyên môn và đồng hành cùng làm việc, chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan liên quan.
Về môi trường kinh doanh, Nghị quyết năm nay xác định ưu tiên cải cách một số nhóm lĩnh vực.
Thứ nhất, về chỉ số khởi sự kinh doanh, Nghị quyết đề cập cụ thể hơn những giải pháp mang lại tác động tích cực, thực chất, lan tỏa cho cộng đồng doanh nghiệp, ngay cả trong trường hợp chưa giúp cải thiện thứ hạng của Việt Nam theo WB.
Ví dụ như yêu cầu nộp phí môn bài, hiện nay doanh nghiệp mới thành lập phải nộp trong 30 ngày, nay sẽ lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào 30/1 của năm kế tiếp. Tương tự là thủ tục khai trình lao động lần đầu, hiện doanh nghiệp phải làm thủ tục này trong vòng 30 ngày sau khi thành lập. Rồi thủ tục mua hóa đơn VAT, hiện vẫn kéo dài tới 10 ngày theo khảo sát của WB, nếu kéo giảm được thời gian như Nghị quyết yêu cầu sẽ giảm chi phí rất lớn.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh các giải pháp phát triển thị trường vốn và bảo vệ quyền tài sản. Những nội dung cải cách này cũng có tác động kép, giúp phát huy tốt nhất các nguồn lực.
Một trọng tâm cải cách khác là điều kiện kinh doanh. Vừa qua, Chính phủ rất quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng chủ yếu là ở tầm nghị định, lần này sẽ hướng tới cả điều kiện kinh doanh trong các luật. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ hơn các điều kiện mới phát sinh.
Cùng với đó, Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh truyền tải thông tin về các điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Các nội dung cải cách ít tác động tới thực tế nếu người dân và doanh nghiệp không nắm dược thông tin. Chẳng hạn, vừa qua đã bãi bỏ quy hoạch cửa hàng xăng dầu, nhưng nếu người dân không biết thì họ sẽ vẫn không mạnh dạn đầu tư cây xăng vì họ nghĩ mọi việc vẫn khó khăn như cũ. Điều này khiến cải cách không có tác động lớn như lẽ ra phải có, thậm chí còn có thể làm suy giảm lòng tin. Cá nhân tôi nghĩ rằng thậm chí các cơ quan quản lý có thể dùng tin nhắn, email… để thông báo tới người dân và doanh nghiệp để đưa cải cách vào thực tế.
Nhóm ưu tiên thứ ba là cải cách kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện các bất cập trong quản lý chuyên ngành không chỉ làm gia tăng chi phí kinh doanh. Theo báo cáo của WB, chi phí và thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm tỷ lệ rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Hơn thế nữa, doanh nghiệp rất lo lắng về chi phí cơ hội nếu thời gian làm thủ tục kéo dài, ví dụ các sản phẩm thời trang có thể lạc hậu chỉ sau một tuần, trong khi chúng ta mất 3-4 ngày kiểm tra.
Quan điểm được nhấn mạnh là quán triệt triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra theo xác suất,chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hóa sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa, áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4… Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.
Một trọng tâm nữa là đầy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là giải pháp tác động nhiều mặt, thậm chí có thể thúc đẩy tạo ra những ngành kinh doanh mới cho lĩnh vực thanh toán. Nó cũng giúp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, vì hiện khâu vướng nhất trong dịch vụ công trực tuyến vẫn là thanh toán. Cùng với đó, góp phần giảm chi phí không chính thức qua việc giảm tiếp xúc trực tiếp. Thứ tư, nó buộc các dịch vụ phải hết sức rõ ràng, cụ thể, chi tiết, nếu không rõ ràng thì không thể áp dụng trực tuyến được.
Hai chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản của Việt Nam không có nhiều cải cách được WB ghi nhận trong thời gian qua. Nghị quyết đề cập nội dung này ra sao, thưa ông?
Đây là hai nội dung được xã hội rất kỳ vọng. Người kinh doanh không chỉ muốn nhanh chóng gia nhập thị trường với chi phí thấp, mà còn muốn việc xử lý tranh chấp và rút lui khỏi thị trường cũng hiệu quả và nhanh chóng, gọn nhẹ, chi phí thấp, từ đó đẩy nhanh quay vòng đồng vốn, thay vì để nguồn vốn ách lại trong các vụ việc tranh chấp hay phá sản.
Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, thách thức và đòi hỏi thay đổi rất nhiều quy định và liên quan tới nhiều cơ quan. Ví dụ, việc kê biên một căn nhà liên quan tới pháp luật hôn nhân và gia đình, quyền có nhà ở, pháp luật đất đai, đăng ký tài sản, quyền thừa kế… Chính phủ đề cập các mục tiêu và giải pháp cho các chỉ số này, nhưng tôi cho rằng để thành công đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ Bộ Tư pháp và sự đóng góp của các cơ quan khác.
Dự kiến Thủ tướng sẽ ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Ông đánh giá thế nào về động thái này?
Điều này cho thấy Chính phủ, Thủ tướng luôn tìm tiếm những cơ hội cải cách mới, bổ sung cho những giải pháp đang làm và như thế, ta nhìn thấy một cơ hội, nỗ lực rất lớn cho năm 2020 và những năm tới.
Với việc dự kiến thành lập Tổ công tác về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, dự kiến ít nhất cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm, ta thấy chương trình này vượt ra khỏi những phạm vi cải cách đang được tiến hành.
Hiện các nỗ lực cải cách thể chế liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh hay 10 chỉ số Doing Business của WB… về cơ bản vẫn là thuộc phạm vi thủ tục hành chính. Nhưng thực tế thì trong một văn bản pháp luật có rất nhiều nội dung phát sinh chi phí cho doanh nghiệp dù không phải là thủ tục hành chính hay điều kiện kinh doanh doanh, giấy phép. Đó có thể là một quy định không rõ ràng, là những quy định mâu thuẫn giữa các văn bản, hay một “rừng” văn bản khiến doanh nghiệp rủi ro khi không biết dùng quy định nào…
Trong bối cảnh đó, nếu trước đây chúng ta chủ yếu là rà soát để sửa đổi, thì lần cải cách này rẽ xử lý tận gốc vấn đề, hướng tới cắt giảm toàn bộ các văn bản, quy định bất hợp lý tạo rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là cấp thông tư. Và không chỉ làm sạch môi trường kinh doanh hiện có, kế hoạch còn hướng tới ngăn chặn, kiểm soát các quy định mới phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Với các nguyên tắc mạnh mẽ như ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ, riêng thông tư thì ban hành một phải bãi bỏ ít nhất hai, hằng năm bãi bỏ ít nhất 20% các văn bản… ta có thể ước lượng sau 5 năm sẽ cắt giảm mạnh mẽ số lượng và kiểm soát chặt chẽ chất lượng văn bản như thế nào.
Một tác động nổi bật khác của kế hoạch này là phá vỡ tình trạng cát cứ trong việc xây dựng thể chế. Hiện việc quản lý đang được “phân mảnh” theo các lĩnh vực khác nhau, từ góc nhìn khác nhau của các cơ quan quản lý, thậm chí trong cùng một bộ thì cũng “phân mảnh” ra theo các lĩnh vực, do đó, chúng ta có rà soát kỹ đến mấy thì vẫn có thể trùng lặp và mâu thuẫn trong các quy định.
Nay, tôi hiểu tinh thần của kế hoạch này là xây dựng các quy định từ góc nhìn của doanh nghiệp, không từ các góc nhìn khác nhau của các cơ quan quản lý, từ đó giảm bớt số lượng văn bản, tập trung tất cả các quy định thuộc một lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực vào một văn bản, một quy trình chung để thuận tiện cho doanh nghiệp.
Như sắp tới, Thủ tướng có thể sẽ ban hành một quy định chung về khởi sự kinh doanh. Hoặc ví dụ như với quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường…, nếu có thể ban hành một nghị định chung thì sẽ thuận tiện hơn cho doanh nghiệp rất nhiều và tránh được trùng chéo, mâu thuẫn, so với việc ban hành các nghị định riêng rẽ.
Điểm cuối cùng, doanh nghiệp không quan tâm nhất tới việc cắt bỏ bao nhiêu thủ tục hay hồ sơ mà quan trọng nhất là chi phí tuân thủ, chi phí cơ hội. Kế hoạch mới hướng tới mục tiêu cắt ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm. Muốn làm được điều này thì cần phải có công cụ đo lường chi phí và tôi tin rằng nếu công bố chi phí này thì những người làm chính sách sẽ phải thay đổi tư duy vì đó sẽ phải là một con số cực lớn.
Hà Chính