Thương mại điện tử: Đưa sản phẩm làng nghề vươn xa

Thương mại điện tử: Đưa sản phẩm làng nghề vươn xa
Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) sẽ là kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao để đưa các mặt hàng của làng nghề truyền thống tiến xa hơn ra thị trường.

Vươn khỏi “lũy tre làng”

Câu chuyện sản phẩm cá kho làng Vũ Đại (Hà Nam) là một ví dụ điển hình về việc chủ động phát triển TMĐT để có thêm những hợp đồng mới, đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Trước kia, sản phẩm cá kho được om trong nồi đất chỉ là sản phẩm làng nghề, tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh. Nhưng từ khi đưa sản phẩm lên internet, doanh số tăng lên cấp số nhân, trở nên nổi tiếng khắp cả nước và xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài.

Thương mại điện tử
Thương mại điện tử

Các làng nghề giờ đây không chỉ bán hàng trong cửa hàng mà còn thông qua kênh thương mại trực tuyến
Tương tự, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh gốm sứ tại xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xây dựng TMĐT nhằm xúc tiến tìm kiếm đơn đặt hàng; mở rộng thị trường cho gốm Việt nói chung, gốm Bát Tràng nói riêng. Đến bây giờ, tại Bát Tràng, nhà nhà đều kinh doanh online. Nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội. Cũng nhờ đó, gốm sứ Bát Tràng nhiều năm qua đã xuất khẩu mạnh sang không ít nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU...

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho hay, nếu trước đây, hầu hết làng nghề chỉ phụ thuộc vào hội chợ hay sự giới thiệu của các cơ quan nhà nước để gặp gỡ đối tác thì giờ đây có thể tìm kiếm sản phẩm bằng công cụ trên mạng internet. Đồng thời, dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu kỹ thuật số.

Theo đó, các làng nghề Việt Nam dựa trên điều kiện thực tế để giới thiệu sản phẩm, bán hàng, kể cả thanh toán qua hệ thống TMĐT. Như vậy, TMĐT vừa giúp mở rộng thị trường, vừa tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho người làm nghề không ngừng sáng tạo, khẳng định giá trị sản phẩm, đưa thương hiệu làng nghề tiến xa hơn trên thị trường.

Nỗ lực từ hai phía

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, để đưa sản phẩm làng nghề lên chợ điện tử, giai đoạn đầu cần có các chính sách hỗ trợ cho sản phẩm như miễn phí mở gian hàng, miễn phí các chương trình đào tạo bán hàng online, các gói hỗ trợ về thiết kế hay thông tin, thủ tục xuất khẩu hàng hóa trên sàn TMĐT quốc tế như Alibaba, Tmall… Đồng thời, đầu tư hỗ trợ cho DN đầu mối thành lập một làng nghề ảo trên chợ điện tử, trong đó mỗi hộ sẽ là một sản phẩm.

Tại Diễn đàn DN, doanh nhân các tỉnh phía Bắc hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề, diễn ra gần đây, Tiến sỹ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - cho biết, nhằm mục tiêu hỗ trợ DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và phát triển thương hiệu thông qua TMĐT, Bộ Công Thương đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ với Amazon. Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ… là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, để tham gia tốt vào kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT, DN phải hiểu biết và chuẩn bị kỹ lưỡng; sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng. Cơ hội thành công chỉ đến khi DN đã xác định TMĐT là cuộc chơi dài hạn để nghiêm túc đầu tư, ứng dụng công nghệ và hướng tới người tiêu dùng.

Trong bối cảnh khó khăn về thị trường, DN làng nghề nên quan tâm đến TMĐT, xem đây như một kênh xúc tiến thương mại chủ lực để tăng thêm cơ hội tiếp xúc với các khách hàng tiềm năng.

Quỳnh Nga

 

Tags: Làng Nghề Thương Mại Điện Tử Thị Trường Nhật Bản Mỹ Eu Website Mạng Xã Hội