Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh nCoV dự báo sẽ tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng, ngày 4/2/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ nhằm đưa ra biện pháp cụ thể và quyết liệt hơn để thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2019 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 41 tỷ USD; trong đó xuất khẩu nông lâm thủy sản là 7 tỷ USD, hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ khoảng 3 tỷ USD, trao đổi cư dân biên giới 1,2 tỷ USD.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu nông sản chủ yếu qua đường bộ; hàng công nghiệp, nguyên phụ liệu chủ yếu qua đường biển và các đường vận chuyển khác.
Cũng theo ông Phan Văn Chinh, dịch nCoV khiến xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu đường bộ chịu tác động. Đơn cử như hiện còn khoảng 100 container thanh long đang tắc ở Lào Cai.
Thêm vào đó, hiện nay, lượng thanh long tồn khoảng 55 - 57 nghìn tấn ở các địa phương, dưa hấu cũng tương đương với con số 50- 60 nghìn tấn, đây là thách thức trong tiêu thụ do tiêu thụ theo vụ.
Mặc dù cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) mở cửa vào ngày 3/2/2020 nhưng phía bạn quy định không tập trung đông người, không có người ra nhận hàng khiến hàng hóa giao dịch gặp khó khăn và vẫn phải chờ đến sau ngày 8/2/2020.
Đối với mặt hàng gạo sẽ không chịu nhiều tác động do Trung Quốc không nhập khẩu nhiều. Riêng thủy sản, Việt Nam xuất khẩu qua đường bộ sang Trung Quốc khoảng 400 - 500 triệu USD/năm, ngoài ra còn giao hàng qua đường biển.
Do vậy, Cục trưởng Phan Văn Chinh cho rằng, có 2 kịch bản xuất nhập khẩu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cụ thể, nếu dịch bệnh nCoV diễn ra từ 1 - 2 tháng thì khả năng sẽ tác động làm giảm kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 200 – 300 triệu USD, tập trung vào những mặt hàng thanh long, dưa hấu, cao su, thủy sản...
Nếu dịch bệnh diễn ra 3 - 6 tháng thì xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ giảm từ 400 - 600 triệu USD. Dự báo, trong Quý I, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả công nghiệp, nông sản giảm từ 600- 800 triệu.
Nhưng vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là vấn đề của ngành dệt may, da giày, thiết bị máy tính, thiết bị điện tử... bởi các ngành này phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu các nhà máy phía Trung Quốc đóng cửa không sản xuất hoặc sản xuất chậm lại sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng, chu trình sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Đây là vấn đề rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2020, ông Phan Văn Chinh thông tin.
Cũng theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, về lý thuyết, chúng ta có thể tìm nguồn nguyên liệu khác để thay thế nhưng trên thực tế đây là vấn đề rất lớn, vì giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ cao hơn, khiến giá hàng xuất khẩu sẽ kém sức cạnh tranh.
“Mặt hàng công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến và dệt may sẽ chịu tác động rất lớn, lớn hơn cả mặt hàng nông sản”, Cục trưởng Phan Văn Chinh dự báo.
Đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục trưởng Phan Văn Chinh cho rằng, có 4 nhóm giải pháp cần thực hiện. Cụ thể, phải thay đổi phương thức giao hàng; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; đôn đốc các địa phương trao đổi, đàm phán với phía bạn trong giao hàng...
Cân nhắc đưa thương mại điện tử vào chống dịch
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng - Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương đề xuất, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cần đánh giá tác động ngay bây giờ, trước mắt là trong Quý I về mức sụt giảm của xuất nhập khẩu, cũng như ngành hàng nào sẽ chịu thiệt hại lớn nhất.
Ngoài việc đánh giá tác động trực tiếp với Trung Quốc cần đánh giá tác động gián tiếp đối với các đối tác thị trường ngoài Trung Quốc.
Đánh giá cũng chỉ là giải pháp nhất thời, bởi dịch bệnh chắc chắn tác động, gây thiệt hại ảnh hưởng đến nền kinh tế, do vậy, chúng ta cần có giải pháp ngay lập tức và những giải pháp dài hơi nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đề xuất.
Lắng nghe ý kiến từ các đơn vị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao những giải pháp và những nỗ lực của các Cục, Vụ... đã đưa ra và thực hiện để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Thứ trưởng nhấn mạnh, biện pháp chống dịch đang thay đổi từng ngày, từng giờ khi có những phát hiện mới về dịch bệnh, do vậy, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để ứng phó với tất cả các tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế.
“Chúng ta đã mất trung bình từ 6-8 tháng để kiểm soát, ứng phó với dịch SARS, MERS... Vì vậy, cần nhìn một cách toàn diện, dịch sẽ tác động đến các lĩnh vực của nền kinh tế, không chỉ xuất khẩu mà còn nhập khẩu và thương mại nội địa”, Thứ trưởng nhấn mạnh
Do vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh yêu cầu, các Cục, Vụ thuộc Bộ cần làm rõ những mặt hàng xuất khẩu nào đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng do tác động tình hình dịch bệnh nCoV, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể cho từng mặt hàng.
Mặt khác, phân tích các tác động với hoạt động nhập khẩu, nhất là hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất trong nước để đưa ra giải pháp và định hướng cụ thể.
“Chúng ta cũng phải cân nhắc, đưa thương mại điện tử vào cuộc, đưa ra phương thức giao hàng mới. Vì dịch bệnh chúng ta không thể đi chợ hàng ngày, không thể mãi ăn uống ngoài hàng, tụ tập nơi đông người. Đã đến lúc người dân chuyển sang mua đồ hộp, mua thực phẩm nấu chín bán ở siêu thị và đề nghị giao tận nhà. Vì vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi thương mại điện tử sẽ tham gia ra sao, ai vận chuyển, ai giao hàng...”, Thứ trưởng nêu.
Hạ An