Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với tỷ lệ thương mại trên GDP 187,52% trong năm 2018. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trung bình mỗi năm đạt hơn 15% phần trăm trong mười năm qua và gấp gần 5 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu. Theo đó, cơ cấu xuất khẩu quốc gia cũng được cải thiện về hàm lượng công nghệ và đa dạng hóa cả về thị trường lẫn sản phẩm. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn ẩn chứa nhiều yếu tố thách thức.
Đây là những nhận định được đưa ra trong báo cáo “Việt Nam: Kết nối chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại,” do Ngân hàng Thế giới thực hiện và công bố ngày 15/1.
Chủ động bù đắp từ thị trường nội địa
Ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhận định những thành tựu ngoạn mục đến từ việc tự do hóa thương mại được củng cố, thông qua việc loại bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, như cam kết của Việt Nam trong một số hiệp định thương mại khu vực, bao gồm Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại song phương Hoa Kỳ và Việt Nam (US-BTA), tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nhờ vào thành quả to lớn từ hoạt động thương mại, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần bốn lần, từ dưới 500 USD (năm 1992) lên hơn 1.800 USD (năm 2017) đồng thời tỷ lệ nghèo đã giảm từ khoảng 53% năm 1992 xuống còn 2% vào năm 2016.
Tuy nhiên, nhóm nghiêm cứu báo cáo cũng chỉ ra hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn ẩn chứa nhiều yếu tố thách thức. Nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp, các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ thực hiện các chức năng lắp ráp cơ bản. Thêm vào đó, chi phí thương mại lại cao hơn so với mức trung bình của khu vực.
Mặt khác, doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, trong khi xuất khẩu chủ lực do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dẫn dắt, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn có thể sẽ vẫn duy trì thành tích xuất khẩu cao ngay cả khi không giải quyết được những thách thức trên.
Song, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng cần phải có cái nhìn xa hơn và việc tăng cường kết nối thị trường nội địa sẽ thúc đẩy sự phát triển liên tục của Việt Nam đồng thời đảm bảo khi xuất hiện bất kỳ sự suy giảm tiềm năng nào trong xuất khẩu đều có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước cao hơn.
Thiếu định hướng chính sách thúc đẩy kết nối
Theo báo cáo, tiềm năng cạnh tranh thương mại của Việt Nam bị hạn chế do thiếu định hướng chính sách nhằm thúc đẩy kết nối định hướng thương mại.
Một trong những vấn đề có nhìn thấy rõ nhất, đó là hiện trạng phát triển hạ tầng giao thông không đồng đều cộng thêm tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn dẫn đến tình trạng mất cân đối cung, cầu nghiêm trọng.
Theo ông Đức, dòng chảy giao thương của Việt Nam bị “thắt nút cổ chai” tại 1/4 tổng số cửa khẩu quốc tế, bao gồm 2 sân bay, 5 cảng biển và 5 cửa khẩu đường bộ. Hiện các cửa khẩu này đang phải xử lý đến 86% giá trị thương mại của cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nội địa phụ thuộc phần lớn vào đường bộ, chiếm khoảng 3/4 khối lượng hàng hóa. Trong khi, Việt Nam lại có một mạng lưới sông ngòi rộng khắp song lại chưa tận dụng hiệu quả, là bởi hệ thống bến thủy, cảng chưa phù hợp và đáp ứng yêu cầu chung chuyển hàng hóa khối lượng lớn.
Cụ thể hơn, các mục tiêu tăng trưởng thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh chưa được gắn kết rõ ràng với các mục tiêu của việc xây dựng chính sách kết nối, đầu tư vào hạ tầng giao thông. Thông tin thương mại, đặc biệt là về chuỗi giá trị, hiếm khi được sử dụng trong xây dựng và thực thi chính sách kết nối. Trong khi, hoạch định các chính sách và đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông lại thiếu các phân tích chuyên sâu về cấu trúc không gian và xu hướng liên kết dọc theo các phân đoạn khác nhau của chuỗi giá trị để
Vì vậy, ông Đức cho rằng Việt Nam cần có các chính sách kết nối và đầu tư vào hạ tầng giao thông hướng mạnh hơn nữa vào phục vụ thương mại, thông qua cách tích hợp các kết quả phân tích dựa trên đánh giá kết nối chuỗi giá trị toàn diện cũng như phân tích tình trạng các cửa ngõ thương mại trong vào các chính sách này.
“Chúng tôi khuyến nghị các chính sách kết nối, quy hoạch tổng thể về giao thông cũng như ưu tiên đầu tư vào hạ tầng giao thông cần được xây dựng, triển khai theo hướng thúc đẩy thương mại rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Để làm điều này phải thiết lập được một cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, bao gồm tạo thuận lợi thương mại và logistics qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại,” ông nói./.
Hạnh Nguyễn