Theo TNG, mục đích của đợt mua cổ phiếu quỹ lần này để bình ổn giá cổ phiếu TNG và tối đa hóa lợi ích cho cổ đông.
Thời gian thực hiện dự kiến không quá 30 ngày kể từ khi bắt đầu giao dịch và sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Nguồn vốn lấy từ thặng du vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu. (Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III, tính đến 30/9, TNG còn 174,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; 107,3 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển, 42 tỷ đồng trong các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và 30,5 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần).
Phương thức giao dịch là khớp lệnh và thỏa thuận, với nguyên tắc xác định giá và khoảng giá theo giá thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật. Chứng khoán MB (MBS) sẽ được chỉ định làm đại lý thực hiện.
Cổ phiếu TNG sau khi đạt đỉnh giá cổ phiếu vào những ngày đầu tháng 7/2019 tại 22.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) đã dần đi xuống và về đáy trong gần 1 năm qua tại gần 14.000 đồng vào giữa tháng 11, trước khi nhích nhẹ trở lại lên 15.500 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên hôm qua 19/12.
Mặc dù cổ phiếu rơi khá sâu, nhưng kết quả kinh doanh năm nay của TNG lại khởi sắc, với Báo cáo kinh doanh 11 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu đạt 4.337 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng 32% lên 216 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch cả năm đề ra.
Việc giá cổ phiếu TNG trên đà suy yếu có thể một phần do nhà đầu tư lo ngại về đòn bẩy tài chính khá cao, áp lực trở nợ tương đối lớn và hàng tồn kho gia tăng của Công ty.
Theo đó, tại 30/9/2019, hàng tồn kho của TNG tăng hơn 30 tỷ lên gần 850 tỷ đồng so với đầu kỳ. Nợ phải trả tăng hơn 13% lên gần 2.044 tỷ đồng, trong khi đó, vốn chủ sở hữu hơn gần 976 tỷ đồng, tương đương hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) tới hơn 2 lần.
Phiên giao dịch sáng nay 20/12, cổ phiếu TNG nhích nhẹ 0,6% lên 15.600 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh có 226.000 đơn vị.
Tạm tính với mức giá trên, TNG sẽ phải chi ra khoảng hơn 96,7 tỷ đồng cho 6,2 triệu cổ phiếu quỹ muốn mua.
Lạc Nhạn