Nông sản là một trong những ưu tiên của Mỹ trong bản thỏa thuận ‘bước một’
SCMP trích nguồn tin từ một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, cụ thể Trung Quốc sẽ mua các mặt hàng sản xuất công nghiệp trị giá 75 tỷ USD, 50 tỉ USD các sản phẩm năng lượng, 40 tỉ USD hàng nông sản và 35 tỉ USD các sản phẩm dịch vụ.
Trước đó, tối 13/1 (giờ Mỹ), Washington đã loại Trung Quốc khỏi danh sách những quốc gia thao túng tiền tệ, dấu hiệu phản ánh quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang giảm bớt căng thẳng trước khi thỏa thuận thương mại ‘bước một’ chính thức được ký kết.
Các nhà phân tích đã đưa ra nhiều nhận định về việc Bắc Kinh có thể mua hàng hóa trong các lĩnh vực trên. “Các sản phẩm năng lượng được đề cập cụ thể trong phần ‘Mở rộng thương mại’ được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố hôm 13/12. Vậy nên đây có thể sẽ là một trong những điều khoản thuộc thỏa thuận ‘bước một’ được ký kết hôm 15/1 tới”, nhà kinh tế học Steve Cochrane thuộc bộ phận phân tích của Tập đoàn Moody cho biết.
Việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu của Mỹ đã giảm mạnh kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra. Báo cáo mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng xuất khẩu dầu trung bình của nước này chỉ ở mức 7,2 triệu thùng/tháng trong thời gian từ tháng 7 đến 10/2019, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều nghi vấn được đặt ra về việc liệu Bắc Kinh có mua 40 tỷ USD hàng nông sản Mỹ như lời Tổng thống Trump tuyên bố hay không. Nhưng theo nhận định của nhà phân tích Rosa Wang thuộc JCI China, bà cảm thấy khá tự tin về việc Trung Quốc sẽ có thể đạt được mục tiêu như trong thỏa thuận đã đề ra.
Cụ thể theo bà, Bắc Kinh có thể sẽ dành phần lớn việc mua bán vào các sản phẩm nông sản như đậu nành, sau đó là các loại hạt, trái cây, thịt lợn, thịt gia cầm, hạt bo bo và các sản phẩm phụ từ ethanol.
Ngoài ra, bản thỏa thuận cũng sẽ tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ, trong đó có nhiều chương nói về việc tập trung vào vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ, tiền tệ, và cách tiếp cận thị trường trong một số lĩnh vực quan trọng của kinh tế Trung Quốc, bao gồm các dịch vụ về tài chính và nông nghiệp.
Và thỏa thuận ‘bước 1’ có thể sẽ bao gồm cả những điều khoản về việc thực hiện các cam kết, trong đó Washington có thể sẽ áp đặt lại các mức đánh thuế nếu Trung Quốc không thực hiện đầy đủ các cam kết của nước này, trong đó có cả những thỏa thuận về mua bán hàng hóa.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro trong buổi phỏng vấn NPR hôm 13/1 cho biết, cơ chế thực thi (bản thỏa thuận) sẽ cho phép Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer áp dụng lại các mức thuế trong khoảng thời gian 90 ngày.
“Và một khi ông ấy (Lighthizer) nghĩ rằng mọi việc chưa được thực hiện đúng tiến độ, thì chúng tôi có quyền áp đặt một sự phản ứng tương xứng (áp đặt lại thuế) và phía Trung Quốc đã hứa sẽ không tiến hành trả đũa”, ông Navarro nói.
Tuấn Trần