Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước dự kiến đạt 1 tỷ lít, đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít, đáp ứng 40% nhu cầu năm 2025.
Các chuyên gia trong ngành sữa nhận định, trong tương lai ngành sữa vẫn được coi là tiềm năng bởi mức tiêu thụ sữa trên đầu người tại Việt Nam vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, các sản phẩm sữa hiện các sản phẩm khác như phômai, bơ… vẫn khiêm tốn. Hơn nữa, xu hướng người dùng tại khu vực thành thị ngày càng ưa chuộng các sản phẩm trung và cao cấp (sữa hữu cơ) có thể hỗ trợ tăng trưởng doanh thu ở khu vực này.
Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, trong những năm qua, ngành sữa Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp trong ngành đang không ngừng xây dựng, cải tiến, đổi mới nhà máy và thiết bị, ứng dụng công nghệ có trình độ tự động hóa cao ngang tầm khu vực và thế giới nhằm cải thiện chất lượng nguồn sữa cung cấp ra thị trường.
Thị trường sữa nước đang có sự tham gia của một loạt doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH (TH True Milk), Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), Nestlé... Các doanh nghiệp này liên tục tung ra các sản phẩm mới nhằm phân chia lại miếng bánh thị phần.
Hiện các doanh nghiệp đã đa dạng hóa, đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm mới như sản phẩm hữu cơ, sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt… Tuy nhiên, hai mảng chính quyết định sự tăng trưởng của toàn ngành sữa trong nước và cũng là hai mặt hàng quan trọng nhất là sữa nước và sữa bột. Riêng tổng giá trị của hai mảng này đã chiếm gần 3/4 giá trị thị trường với sản lượng sữa tươi hiện đạt 1.500 nghìn lít, sữa bột đạt 138.000 tấn.
Tuy vậy, ngành sữa Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tiêu thụ trong nước nên đây vẫn là ngành có nhiều tiềm năng phát triển. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp, chỉ đạt 26 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80-100 lít/người/năm.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đàn bò sữa trên cả nước đang tăng mạnh do các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nguồn sữa tươi đưa đến tay người tiêu dùng.
Nhận thức được tầm quan trọng của vùng nguyên liệu sữa tươi, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ. Thị trường sữa những năm vừa qua đã chứng kiến sự tăng tốc xây dựng trang trại nuôi bò sữa, nhập thêm các giống bò tốt từ Mỹ, Australia của hàng loạt doanh nghiệp sữa lớn như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk…
Nhiều trang trại đã được các tổ chức quốc tế cấp các chứng nhận Hệ thống trang trại đạt chuẩn GlobalGAP, trang trại hữu cơ nhằm đảm bảo thực phẩm đạt đủ tiêu chuẩn về sản phẩm sạch và chất lượng quốc tế cho người sử dụng. Song song việc xây dựng trang trại, các doanh nghiệp đã xây dựng kết nối với các nhà máy chế biến.
Hiện Vinamilk đang có 12 trang trại trên cả nước; trong đó, có hai trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn organic châu Âu và 10 trang trại theo chuẩn GlobalGAP. Đây là hệ thống trang trại lớn nhất châu Á về số lượng được áp dụng tiêu chuẩn quốc tế này.
Mới đây, Công ty Vinamilk cũng vừa xây dựng tổ hợp "resort" bò sữa organic với quy mô 5.000 ha tại Lào. Dự kiến cuối năm 2020 trang trại sẽ hoàn thành xây dựng và đạt chứng nhận hữu cơ theo chuẩn châu Âu và tiêu chuẩn Mỹ, cung cấp nguyên liệu sữa tươi organic cho nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam và xuất khẩu.
Ông Phạm Minh Tiến, Giám đốc điều hành Vinamilk, cho biết để phục vụ sản xuất các sản phẩm sữa tươi, Vinamilk đã và đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu. Công ty ký hợp đồng trực tiếp với gần 6.000 hộ chăn nuôi bò sữa, quản lý gần 130.000 con bò với sản lượng sữa tươi nguyên liệu bình quân từ 950-1.000 tấn/ngày.
Các sản phẩm sữa tươi của Vinamilk đều được sản xuất từ 100% sữa tươi nguyên liệu, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành.
Nối tiếp Vinamilk trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn TH cũng đã chi khoảng 2,7 tỷ USD đầu tư cho Tổ hợp Chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao và một số dự án về thực phẩm tại Liên bang Nga.
Công ty Nestlé Việt Nam cuối năm 2019 cũng đưa vào hoạt động giai đoạn hai dự án mở rộng Nhà máy Nestlé Bông Sen tại Hưng Yên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao. Số vốn đầu tư của Nestlé tại Hưng Yên là 107 triệu franc Thụy Sỹ. Đây là nhà máy thứ sáu của Tập đoàn Nestlé tại Việt Nam và là nhà máy thứ hai của Nestlé tại Hưng Yên.
Dự kiến, đến năm 2025, các hoạt động tăng cường đầu tư của doanh nghiệp này sẽ tạo ra khoảng 600 cơ hội việc làm trực tiếp và hàng nghìn việc làm gián tiếp cho Hưng Yên cũng như khu vực phía Bắc.
Ông Christian Schmid, Giám đốc Phụ trách Kỹ thuật Khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương của Tập đoàn Nestlé, cho hay liên tục từ năm 2017 đến nay, Nestlé Việt Nam đã 3-4 lần tăng vốn đầu tư và mở rộng hoạt động tại Hưng Yên. Hiện dây chuyền sản xuất thứ bảy đã được phê duyệt và dự kiến sẽ được đưa vào khởi công xây dựng trong năm 2020.
Bên cạnh sự đầu tư, xây dựng, cải tiến, đổi mới kỹ thuật, công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp trong ngành thì sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại, thu nhập của người dân tăng và nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh.
Do đó, Hiệp hội Sữa Việt Nam dự báo, trong những năm tới, ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 9-10% và đạt mức 28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.
Để kích thích nhu cầu tiêu thụ sữa, theo Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung, Việt Nam cần tuyên truyền mạnh hơn về tác dụng cũng như cách sử dụng sản phẩm sữa dinh dưỡng, đặc biệt là đối tượng trẻ em.
Dự báo tiêu thụ sữa sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do thu nhập của người dân tăng và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại. Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng.
Những đối tượng khách hàng này thường có nhu cầu trải nghiệm những sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, xu hướng sử dụng sản phẩm sữa hạt./.
Hằng Trần