Trung Quốc sẽ hợp lực 2 tàu sân bay để cô lập Đài Loan, giành ưu thế trên Biển Đông

Trung Quốc sẽ hợp lực 2 tàu sân bay để cô lập Đài Loan, giành ưu thế trên Biển Đông
Tàu sân bay mới của Trung Quốc có khả năng sẽ hợp đội cùng với chiếc tàu sân bay đầu tiên để hình thành một bộ đôi tác chiến trên biển, nhằm cắt đứt sự tiếp cận quân sự của các nước bên ngoài với Đài Loan trong viễn cảnh chiến sự xảy ra - theo một phân tích của một chuyên trang quân sự và giới chuyên gia quốc phòng.

Sơn Đông, Type 001A, tàu sân bay đầu tiên được chế tạo trong nước của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Theo phân tích của tạp chí Naval and Merchant Ships có trụ sở tại Bắc Kinh, thay vì chiến đấu đơn độc, tàu sân bay Sơn Đông - mới được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc vào chiều thứ Ba (17/12) - sẽ phối hợp với tàu Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm được cải biến từ tàu Varyag lớp Kuznetsov của Liên Xô, để hình thành một bộ đôi tác chiến đầy sức mạnh nhằm ngăn chặn các tàu của Mỹ hay Nhật Bản tiếp cận Đài Loan trong trường hợp Mỹ-Nhật cử lực lượng tới viện trợ cho hòn đảo này.

"Một nhiệm vụ quan trọng khác của nhóm tàu sân bay này là ngăn chặn các máy bay ném bom tầm xa của Mỹ cất cánh từ một căn cứ hải quân ở đảo Guam. Điều này sẽ ngăn máy bay Mỹ nhằm vào các đội hình vận tại mặt đất và tàu ngầm của Trung Quốc" - phân tích trong bài viết đăng tải trên tạp chí trên có đoạn.

Ngoài 2 tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh, nhóm tác chiến này còn bao gồm 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055, tàu khi trục tối tân nhất khu vực, 4 tàu khu trục nhỏ lớp Type -54, 6 tàu khu trục nhỏ tên lửa dẫn đường, 1 con tàu hậu cần và 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Type 093B.

Nhà bình luận về quân sự Song Zhongping của Hong Kong (Trung Quốc) nói rằng một nhóm tác chiến có bộ đôi tàu sân bay như vậy có thể giúp quân đội Trung Quốc mở rộng tầm tác chiến từ bờ biển của đại lục cho tới các vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan.

"Chặn sự tiếp cận của hạm đội Mỹ và Nhật với Đài Loan là nhiệm vụ chính của quân đội Trung Quốc" - ông Song nói - "Tuy nhiên, để giành lợi thế lớn nhất trên biển và trên không, quân đội Trung Quốc cần phải điều phối không chỉ nhóm bộ đôi tàu sân bay này, mà cả hoạt động chung giữa các đơn vị chiến đấu khác nhau, như lực lượng tên lửa, binh sĩ đổ bộ lưỡng cư cùng nhiều nhóm khác".

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhou Chenming cũng nhất trí với quan điểm trên, nói rằng một nhóm tác chiến 2 tàu sân bay sẽ tạo cho quân đội Trung Quốc một "tấm lá chắn lớn hơn" và cho phép họ ngăn chặn mọi hạm đội nước ngoài có ý định can thiệp ở Đài Loan.

"Cả 2 tàu sân bay này có khả năng phóng đi gần 30 chiến đấu cơ J-15 để nhắm vào mọi máy bay chiến đấu thuộc nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ, từ đó giảm thiểu sức mạnh về quân số của lực lượng Mỹ một cách hiệu quả" - ông Zhou nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nói thêm: "Nhóm tác chiến 2 tàu sân bay đơn thuần là một đội hình chiến đấu phòng thủ - nó không đủ sức mạnh để tạo đòn tấn công nhằm vào các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là trong lúc đang phải ứng chiến với các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ".

Ông Zhou nói Bắc Kinh xem Đài Lam như một trong những "lợi ích cốt lõi của quốc gia", và sẽ "không dung thứ" nếu Đài Loan có hành động thực tế để tuyên bố độc lập.

Ngoài khu vực xung quanh Đài Loan, tàu Sơn Đông cũng sẽ tập trung vào khu vực Biển Đông - theo một bài xã luận đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của tờ Nhân dân Nhật báo hôm 18/12.


Huyền Chi
 

Tags: Đài Loan Trung Quốc Tàu Sân Bay Trung Quốc Sơn Đông Biến Động