Theo đó Ví MoMo sẽ đồng hành cùng cổng dịch vụ công thông qua các hoạt động như miễn thu phí dịch vụ thanh toán trong giai đoạn đầu để khuyến khích người dân sử dụng... Song song đó, Ví MoMo cũng phối hợp với các tỉnh, thành phố vận động, hướng dẫn người dân tạo thói quen sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện Cổng Dịch vụ công Quốc gia thí điểm thanh toán trực tuyến một số dịch vụ thiết yếu như đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng, dịch vụ cấp điện hạ áp... Việc kết nối giữa Ví MoMo và các tỉnh thành theo ký kết hợp tác trước đây vẫn diễn ra bình thường.
Về lâu dài, khi Cổng Dịch vụ công Quốc gia đi vào ổn định thì với các tỉnh thành phố đã kết nối với Ví MoMo trước đó, dữ liệu của cổng dịch vụ công các tỉnh thành sẽ liên kết vào cổng dịch vụ công quốc gia, tập trung về một mối. Với những dịch vụ công mang tính đặc thù của từng địa phương thì vẫn do địa phương giải quyết.
"Là doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi nhận thấy cần có trách nhiệm chung trong sự phát triển của đất nước. Chúng tôi rất vinh hạnh khi được Chính phủ tin tưởng lựa chọn đồng hành và sẽ nỗ lực, quyết tâm hết mình để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam như Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành hồi tháng 1/2019", ông Diệp nói.Việc kết nối trực tiếp Cổng Dịch vụ công Quốc gia đánh dấu bước tiến lớn của Ví MoMo trong mảng thanh toán trực tuyến dịch vụ công. Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến, đơn vị cung cấp Ví điện tử MoMo cho biết Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoạt động sẽ là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.
Trước khi trở thành kênh thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Ví MoMo đã tiên phong phối hợp với các tỉnh thành triển khai thanh toán điện tử. Đầu tháng 4/2019, ví này được thành phố Đà Nẵng chọn làm đối tác thanh toán dịch vụ công, đưa thanh toán không dùng tiền mặt thành cấu phần quan trọng trong hệ sinh thái thành phố thông minh của địa phương. Gần đây nhất, Khánh Hòa cũng hợp tác với Ví MoMo áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ hành chính công của tỉnh.
Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức vận hành tại website dichvucong.gov.vn từ 9/12 sau 9 tháng thí điểm, góp phần minh bạch hóa, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Trước đó, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, trong đó yêu cầu cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4. Đồng thời đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, thu phí, lệ phí... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ trước tháng 12/2019.
Với vai trò đầu mối kết nối với các cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố, cơ sở dữ liệu.... cổng dịch vụ công quốc gia giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, tái sử dụng thông tin. Từ đó giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Theo tính toán từ ban đề án, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng mỗi năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng theo tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên cổng dịch vụ.
Trước mắt, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ cung cấp 8 nhóm dịch vụ công thiết yếu nhất, bao gồm: 4 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố (đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng, nhóm dịch vụ cấp điện hạ áp phục vụ người dân và hộ gia đình, cấp điện trung áp phục vụ doanh nghiệp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện) và 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ (cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp).
Bên cạnh Ví điện tử MoMo, còn có ba đơn vị khác là kênh thanh toán điện tử của cổng dịch vụ công quốc gia gồm VNPT Pay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Nam Anh