Viễn thông – Tin học Bưu điện (ITC) rơi sàn liên tiếp, vì sao?

Viễn thông – Tin học Bưu điện (ITC) rơi sàn liên tiếp, vì sao?
Chào sàn HOSE vào ngày 15/1/2020, cổ phiếu ICT của Công ty cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện (CTIN) đã có ba phiên rơi sàn liên tiếp. Từ mức tham chiếu 23.100 đồng/cổ phiếu hôm chào sàn, cổ phiếu này đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (17/1) ở mức 16.050 đồng/cổ phiếu.

Hiệu quả kinh doanh đi xuống

CTIN được thành lập từ năm 1972, tiền thân là Xí nghiệp Sửa chữa thiết bị thông tin I, thuộc Tổng cục Bưu điện.

Năm 2001, Công ty được cổ phần hóa và chính thức đổi tên như hiện nay với số vốn điều lệ ban đầu là hơn 10 tỷ đồng.

Năm 2002, CTIN là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện việc cung cấp công nghệ cao trong các dự án mạng di động tại Việt Nam. Sau 4 lần tăng vốn, hiện tại, vốn điều lệ của Công ty đạt trên 321 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác như hỗ trợ tổng hợp, cho thuê hạ tầng thiết bị viễn thông và tin học cùng các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng di động.

Hiện tại, Công ty chỉ có một cổ đông lớn là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), với tỷ lệ nắm giữ 31,43% vốn và không có cổ đông nước ngoài.

Thông tin CTIN công bố cho thấy, kết quả kinh doanh của Công ty trong những năm gần đây có sự trồi sụt đáng kể.

Năm 2017, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.081 tỷ đồng, tăng đột biến 80% so với 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 167,7 tỷ đồng, tương đương với thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 7.912 đồng.

Nguyên nhân được CTIN giải trình, do nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị của các nhà mạng tăng đột biến, giúp Công ty có nhiều cơ hội trúng thầu và ký được nhiều hợp đồng hơn.

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Công ty không duy trì được tình hình kinh doanh tích cực như vậy.

Năm 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của CTIN lần lượt giảm 23% và 21% so với năm 2017. Thu nhập trên mỗi cổ phần ICT giảm xuống còn 2.888 đồng.

Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt  2.674 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 127,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết Hội đồng quản trị gần nhất, trong 11 tháng đầu năm 2019, Công ty ước thực hiện 1.850 tỷ đồng doanh thu, 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dự kiến cả năm đạt 2.451 tỷ đồng doanh thu và 103,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Như vậy, CTIN chỉ hoàn thành 91% chỉ tiêu doanh thu và 81% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trước đó, trong báo cáo giải trình nguyên nhân sụt giảm kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Công ty cho biết: Năm 2019, số lượng các dự án gối đầu từ năm trước thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2018.

Giá vốn hàng bán trên doanh thu tăng dần

Xem xét cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của Công ty từ năm 2017 cho tới nay, có thể thấy, lĩnh vực bán buôn thiết bị - linh kiện điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin đóng góp tỷ trọng lớn nhất, chiếm trên 74% về doanh thu và trên 95% tổng lợi nhuận gộp của Công ty năm 2018.

Mảng kinh doanh này có biên lợi nhuận mỏng và ngày càng mỏng. Tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của Công ty có xu hướng tăng, nguyên nhân chủ yếu do sức ép cạnh tranh từ các đối thủ trong việc tham gia đấu thầu các dự án.

Đáng chú ý, so với một số công ty cùng ngành, bao gồm CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), CTCP FPT (FPT), CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG)…, tỷ lệ chi phí/doanh thu thuần của CTIN khá cao, ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh, cũng như lợi nhuận của Công ty.

Lĩnh vực dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng di động (dịch vụ lời nhắn thoại và dịch vụ tài chính tiêu dùng cá nhân) của Công ty có sự tăng trưởng rõ rệt trong những năm qua, từ 16,5 tỷ đồng năm 2017 lên 45,3 tỷ đồng năm 2018 và gần 35 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu doanh thu cũng như lợi nhuận của Công ty.

Chậm chân lĩnh vực mới

Nhận thấy lĩnh vực trung gian thanh toán có tiềm năng phát triển, năm 2016, CTIN đã thành lập 1 công ty con là Công ty TNHH MTV Thanh toán viễn thông tin học Bưu điện (CTIN Pay).

Việc thành lập CTIN Pay được nhận định sẽ giúp Công ty có thêm sức cạnh tranh trong cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng di động - lĩnh vực được Công ty coi là trọng tâm phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện tại, CTIN Pay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận cấp phép hoạt động cho ngành nghề kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán từ Ngân hàng Nhà nước.

Trong bối cảnh các nhà băng, công ty Fintech đang trong cuộc đua tại lĩnh vực dịch vụ trung gian thanh toán, CTIN Pay dường như đã quá chậm chân.

Cổ phiếu ITC đã có ba phiên “lau sàn” liên tục, ngược dòng với chỉ số chứng khoán chung.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán hẳn phải có lý do, rất có thể là sự trả về giá trị thực cho cổ phiếu này. Được biết, Công ty Chứng khoán KB là đơn vị tư vấn niêm yết cho CTIN.

Mức giá chào sàn (23.100 đồng/cổ phiếu) được định giá dựa trên kỳ vọng ngành công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng từ cuộc cách mạng 4.0 và CTIN có lợi thế 30 năm kinh nghiệm trong ngành này.

Lam Phong

Tags: Chứng Khoán Cổ Phiếu Tập Đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam Vnpt Hose