Việt Nam chủ động ứng phó trước tác động bất lợi

Việt Nam chủ động ứng phó trước tác động bất lợi
Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình và có hình thức cảnh báo phù hợp cho doanh nghiệp trong trường hợp xung đột căng thẳng hơn

Ngày 8-1, đại diện Bộ Công Thương nhận định tình hình Mỹ - Iran căng thẳng chưa gây ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông còn lại. Việt Nam vẫn duy trì quan hệ thương mại tốt và ổn định với các nước Ả Rập Saudi, Israel, Qatar, Oman... Các cơ chế hợp tác với những quốc gia này vẫn được duy trì hiệu quả.

Thương mại có thể bị ảnh hưởng

Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian tới, trong trường hợp xảy ra chiến tranh quân sự giữa Iran và Mỹ, việc trao đổi thương mại với khu vực Trung Đông có thể bị ảnh hưởng do một số nước xung quanh có khả năng cũng bị cuốn vào cuộc chiến và tình hình nguồn cung dầu mỏ. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và có hình thức cảnh báo phù hợp cho doanh nghiệp (DN).

Về tình hình thương mại giữa Việt Nam với Trung Đông, năm 2020, thị trường này tiếp tục là khu vực được nhận định tiềm ẩn nguy cơ bất ổn rất cao, tập trung những vấn đề xung đột, bạo lực và khủng hoảng có tầm ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Những biến động của tình hình khu vực không chỉ tác động đến hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam với các nước thứ ba có liên quan chặt chẽ đến khu vực, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Thời gian qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Đông đã tăng từ 5,1 tỉ USD (năm 2011) lên 13,9 tỉ USD năm 2018. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực này ước đạt 13,4 tỉ USD.

Nếu xung đột Mỹ - Iran leo thang, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nếu xung đột Mỹ - Iran leo thang, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng dầu thô, chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng. Một số thị trường đáng chú ý như Kuwait, ước đạt 3,4 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2018, chủ yếu là do dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành thương mại nên tăng nhập khẩu dầu thô từ thị trường này để sản xuất.

Riêng Iran, Bộ Công Thương đánh giá giai đoạn 2010-2017, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường này ở mức rất thấp và tăng trưởng chậm. Việc Mỹ áp đặt trở lại các lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran, do các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam với nước này không nằm trong danh sách các mặt hàng, lĩnh vực cấm vận. Tuy nhiên, do lệnh trừng phạt của Mỹ, việc thanh toán các giao dịch xuất nhập khẩu với Iran rất khó khăn.

"Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang gần đây, đỉnh điểm là sau vụ việc Mỹ ám sát tướng Soleimani của Iran, dự báo mối quan hệ giữa 2 nước khó có thể cứu vãn và khả năng xảy ra chiến tranh quân sự là rất cao. Bởi vậy, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Iran có khả năng sẽ tiếp tục bị hạn chế và khó khăn hơn" - đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đưa ra góc nhìn không quá bi quan về tác động của xung đột Mỹ - Iran lên nền kinh tế thế giới. Theo ông, tác động nặng nề nhất chỉ nằm ở khu vực các nước Trung Đông và có mối quan hệ trực tiếp, mật thiết với Iran.

PGS-TS Đỗ Đức Định phân tích: "Trước đây, Iran là một trong những nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới, bên cạnh Ả Rập Saudi. Chỉ cần Iran thay đổi chính sách về dầu lửa thì chắc chắn gây ảnh hưởng không tốt tới thị trường dầu lửa thế giới cũng như kinh tế toàn cầu. Nhưng hiện nay, vai trò và sức ảnh hưởng của Iran với thị trường dầu lửa đã xuống mức rất thấp, thay vào đó là các cường quốc khác. Chẳng hạn, Nga có nguồn khai thác dầu lửa rất lớn, hay Mỹ phát hiện một kho dầu đá phiến có quy mô còn lớn hơn nguồn dầu lửa của Trung Đông. Với Iran, từ nhiều năm nay, do bị cấm vận nên xuất khẩu dầu lửa ra thế giới giảm sút. Như vậy, tác động từ cuộc xung đột tới thị trường dầu lửa thế giới, trong đó có Việt Nam, là không lớn".

Giá vàng trong nước lên đỉnh

Tại Việt Nam, giá vàng SJC cũng nhảy dựng khi vừa mở cửa ngày giao dịch, có thời điểm lên tới 45 triệu đồng/lượng chiều bán ra, mua vào 44,3 triệu đồng/lượng, tăng cả triệu đồng/lượng so với phiên trước. Giá vàng trong nước lên mức cao nhất trong gần 9 năm qua, nếu tính từ "đỉnh" 49,3 triệu đồng/lượng vào năm 2011, trong khi đó, giá vàng thế giới cũng chạm đỉnh cao nhất trong 8 năm qua.

PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đánh giá tình hình địa chính trị tại khu vực Trung Đông căng thẳng, có thể tái diễn chiến tranh Mỹ - Iran như sau sự kiện ngày 11-9-2001, dẫn đến việc Mỹ  tấn công quân sự Iraq vào năm 2003, ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính thế giới.

Biểu hiện rõ nhất là giới đầu tư quốc tế đổ vốn vào vàng làm cho giá trị kim loại quý này tăng phi mã. Chứng khoán Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… và cả Việt Nam đều đỏ sàn. Giá dầu thô cũng được dự báo lên 80 USD/thùng. Riêng đồng USD tăng giá không đáng kể là do nhiều nhà đầu tư tìm mua đồng yen (Nhật Bản), bảng Anh, euro, thậm chí cả Bitcoin để làm nơi trú ẩn.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Trình, chiến tranh Mỹ - Iran thành hiện thực, trước mắt giới đầu tư cổ phiếu quốc tế, nhất là các nhà đầu tư thuộc khu vực Trung Đông sẽ tháo chạy ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, bởi trong năm 2019, giá cổ phiếu đã tăng khá nhiều. Khi đó, họ sẽ tìm đến vàng, đồng yen, bảng Anh để bảo toàn vốn. Nếu điều này trở thành hiện thực, giá vàng sẽ tiếp tục đi lên, các ngoại tệ mạnh tăng giá, đồng thời USD có thể giảm giá. Còn giá dầu thô có thể tiếp tục leo thang nhưng do Mỹ có nguồn cung dầu rất lớn từ đá phiến nên khó tăng lại mức giá kỷ lục được xác lập vào tháng 7-2008 là 147 USD/thùng.

Phân tích sâu hơn về giá vàng, PGS-TS Đỗ Đức Định dự báo đây có thể là lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất liên quan đến cuộc xung đột này. Khi Mỹ và Nga trở thành 2 cường quốc có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu thô thế giới, trước căng thẳng được dự báo leo thang ở Trung Đông, thế giới sẽ có động thái tăng mua vàng dự trữ. Điều này nhằm ứng phó trong tình huống Mỹ, Nga gây khó khăn về dầu thô thì các nước khác trên bàn cờ kinh tế - chính trị thế giới sẽ sử dụng nguồn lực từ vàng dự trữ. Bởi vậy, nhịp tăng của giá vàng có thể chưa dự báo được và không loại trừ trường hợp tăng đột biến, khó lường.

Khi thị trường tài chính quốc tế chao đảo, chiến tranh Mỹ - Iran bùng lên thì tình hình thương mại thế giới sẽ sụt giảm, trong đó có Việt Nam. Đề cập tình huống xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp khó khăn, PGS-TS Nguyễn Văn Trình cho rằng trước mắt các doanh nghiệp nên tập trung khai thác thị trường nội địa, từng bước thay thế dần cho xuất khẩu. Với dân số 97 triệu người, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ hàng hóa khá rộng lớn.

"Tôi cho rằng nhìn nhận tác động từ xung đột leo thang Mỹ - Iran phải đặt trong cả căng thẳng thương mại Mỹ - Trung để thấy được rủi ro hay cơ hội cho Việt Nam. Cái lo nhất của chúng ta hiện nay chính là khó khăn trong giao thương với Trung Quốc và Mỹ. Nếu khu vực Trung Đông căng thẳng kéo dài, Mỹ có thể thay đổi chiến lược với rất nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam chịu ảnh hưởng từ đó" - PGS-TS Đỗ Đức Định nói thêm. 

Giá vàng tăng không tác động xấu đến kinh tế Việt Nam

Theo khảo sát của chuyên gia tài chính, TS-LS Bùi Quang Tín, vài năm nay ở Việt Nam, việc mua vàng như một kênh đầu cơ, đầu tư thực sự không còn. Đặc biệt, từ khi Nghị định 24 của Chính phủ ra đời năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, giá vàng tăng hay giảm đã không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, không ảnh hưởng đến tỉ giá và cũng không tạo ra làn sóng mua bán như trước năm 2012.

Về bản chất, năm 2020 có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng. Tới đây, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng và dao động từ khoảng 1.700 USD/ounce đến 1.800 USD/ounce. Dù giá vàng trong nước đang trên đà tăng nhưng TS Bùi Quang Tín khuyến cáo cần cẩn trọng khi đầu tư vàng vào lúc này. Đặc biệt, nhà đầu tư nên hết sức dè chừng và tránh đầu cơ lướt sóng vì vàng thường có thể lên - xuống liên tục, đảo chiều khó lường.

"Do đó, đổ hết tiền vào vàng thời điểm này là rất nguy hiểm và rủi ro. Theo số liệu thống kê, trên 95% những nhà đầu tư vàng trên thế giới và cả ở Việt Nam bị thua lỗ, bất kể người chơi chuyên nghiệp hay không. Không nên đầu cơ vàng, thấy vàng tăng giá thì vội vàng "mua đỉnh" nhưng giá vàng có thể đảo chiều ngay sau đó" - TS Bùi Quang Tín cảnh báo.

Sức ép lên tỉ giá USD/VNĐ

Theo các chuyên gia, trong trường hợp giá vàng và các đồng tiền mạnh, giá dầu thô biến động theo xu hướng tăng như dự báo thì thị trường tài chính quốc tế sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Khi đó, sẽ tác động nhất định đến thị trường của nhiều quốc gia khác, đặt biệt là các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc - 3 quốc gia này có đồng tiền nằm trong rổ 8 đồng tiền làm cơ sở tính tỉ giá trung tâm, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ giá USD/VNĐ.

Với các diễn biến về thị trường tài chính vào đầu năm 2020 và các dự báo trong thời gian tới, PGS- TS Nguyễn Văn Trình khuyến nghị Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình chính trị, quân sự, kinh tế thế giới để điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, nhằm tránh bớt ảnh hưởng đến xuất khẩu, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu về lạm phát. Dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên khoảng 80 tỉ USD nhưng do quy mô nền kinh tế ngày càng lớn nên chỉ bảo đảm cho 13-14 tuần nhập khẩu hàng hóa. Trong khi đó, giá vàng đi lên, USD vẫn là đồng tiền mạnh... người dân có thể bỏ vốn vào 2 kênh đầu tư này, tác động không tốt đến tỉ giá, lãi suất.

Doanh nghiệp du lịch lo lắng

Chiều 8-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều công ty du lịch tại TP HCM bày tỏ lo lắng trước tình hình xung đột leo thang ở Mỹ - Iran và cho biết đang theo dõi sát diễn biến nhằm ứng phó kịp thời.

Theo Công ty Vietravel, đối với các nước khu vực châu Âu, châu Phi hiện tại không bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị của Iran - Mỹ. Các hãng hàng không đã chủ động điều chỉnh đường bay để tránh không phận Iran - Iraq. Riêng tour du lịch đến các khu vực châu Á, đặc biệt Tây Á như Maldives, Ấn Độ, Sri Lanka không bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị của Iran - Mỹ và đường bay từ Việt Nam đến khu vực Tây Á không bay qua không phận Iran - Iraq.

Trong trường hợp du khách quan ngại tình hình hiện nay và không đi tour như lịch trình ban đầu tới khu vực Trung Đông, đại diện Vietravel cho biết sẽ hướng dẫn và chuyển giữ chỗ của du khách sang hành trình khác như các tour trong nước, du lịch nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... Chính sách chuyển tour báo trước ngày 13-1 sẽ không phát sinh chi phí, ngoại trừ phí visa đã được nộp cho các lãnh sự quán và đại sứ quán.

Chứng khoán bị ảnh hưởng tâm lý

Đóng cửa phiên giao dịch 8-1, chỉ số VN-Index giảm 9,9 điểm (giảm 1,03%), xuống dưới ngưỡng 950 điểm, còn 948,98 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,09 điểm, còn 100,33 điểm. Tổng cộng 2 sàn có đến 351 mã giảm giá, 302 mã đứng giá, 123 mã tăng giá. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn phiên này đạt chưa tới 5.500 tỉ đồng. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm, tổng cộng mất trên 21 điểm.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Everest, cho rằng thị trường chứng khoán trong nước đã bị ảnh hưởng trước tình hình căng thẳng tại Trung Đông. Tuy nhiên, đó chỉ là lo ngại về tâm lý chứ trên thực tế Việt Nam không bị ảnh hưởng quá lớn. Hiện tại, theo nhận xét của ông Huỳnh Anh Tuấn, Việt Nam đã có nhiều điểm sáng về kinh tế mà các nước có thể xem đó là yếu tố hấp dẫn để đầu tư. Khi cả thế giới bất ổn kinh tế hay các vấn đề khác, Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng chỉ là phần nhỏ và khi thị trường ổn định thì Việt Nam sẽ "bật mạnh" sớm nhất. Vì vậy, ông Tuấn khuyên nhà đầu tư đừng quá hoang mang, bán tháo, cắt lỗ vì chưa thể biết được diễn biến tiếp theo của vụ xung đột này.

S.Nhung

Tags: Việt Nam Thị Trường Tài Chính Thế Giới Chứng Khoán Mỹ Nhật Bản Trung Quốc Vàng Dầu Tỷ Giá Chứng Khoán