Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam vừa trải qua một năm 2019 đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng DN và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì trên 7% năm thứ hai liên tiếp, đứng hàng đầu khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định; quy mô thương mại quốc tế vượt mốc 500 tỷ USD; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc. Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong việc hoạch định chính sách và việc thực thi, Việt Nam luôn coi trọng vai trò của cộng đồng DN và luôn cập nhật các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, Việt Nam đã thực sự coi FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế. DN nhà nước, DN tư nhân và DN FDI là những đội quân chủ lực của nền kinh tế. Khi cả ba loại hình DN này phát triển và bổ sung và hỗ trợ tốt cho nhau, nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, bền vững. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong 3 phiên làm việc, Diễn đàn DN Việt Nam thường niên 2019 sẽ tập trung làm rõ những cơ hội và thách thức, kiến nghị giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững và thu hút đầu tư, tập trung vào các nội dung như: Điều tiết cho sự bền vững; Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; Hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới.
Theo đánh giá của cộng đồng DN, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, khuyến khích các DN phát triển. Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực, nhưng những chuyển biến này vẫn chưa đồng đều giữa các lĩnh vực. Do đó, cộng đồng DN kỳ vọng trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần những nỗ lực thực chất và đồng bộ hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh; đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN. Các ý kiến tại diễn đàn cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hậu đăng ký DN. Biện pháp đơn giản hóa phù hợp nhất vẫn là liên thông hoặc kết hợp các thủ tục hành chính để các DN có thể làm nhiều thủ tục cùng một lúc. Ngoài ra, có thể bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết như lệ phí môn bài, con dấu DN; cần tiếp tục chú trọng giải quyết vấn đề tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính và thanh tra, kiểm tra…
Vũ Dung