Với chuỗi ngày tăng giá phi mã, giá trị vốn hóa của BIDV hiện đã vượt "nữ hoàng ngành sữa" Vinamilk, chỉ xếp sau Vingroup, Vietcombank và Vinhomes trên sàn HoSE.
Vượt Vinamilk, BIDV trở thành doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn thứ 4 sàn HoSE. Ảnh internet
Đà tăng giá của cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chưa có dấu hiệu dừng lại. Chốt phiên giao dịch ngày 16/1/2020, thị giá BID đã tăng tới 5,9% so với đầu phiên, đạt 54.000 đồng/cổ phiếu.
Thống kê cho thấy, chỉ trong nửa năm trở lại đây, thị giá BID đã tăng tới 68%. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay đã tăng 17%.
Đà tăng giá của cổ phiếu BID được nhiều thành viên thị trường lý giải là do hiệu ứng từ việc bán 15% vốn cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank và triển vọng phát hành riêng lẻ lượng cổ phiếu tương đương 10% vốn điều lệ nữa ngay trong năm 2020.
Năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 10.768 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018. Năm 2020, mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng này là 12.600 tỷ đồng, tăng khoảng 17% so với năm ngoái.
Với chuỗi ngày tăng giá phi mã, giá trị vốn hóa của BIDV hiện đã vượt "nữ hoàng ngành sữa" Vinamilk, 216.385 tỷ đồng so với 206.216 tỷ đồng.
Về phía Vinamilk, thời gian qua, cổ phiếu VNM của doanh nghiệp này có biến động lên xuống nhưng nhìn chung giữ xu hướng đi ngang, trong bối cảnh "nữ hoàng ngành sữa" phải đối mặt với nguy cơ bão hòa thị trường, trong khi động lực tăng trưởng từ thị trường nước ngoài vẫn chưa rõ ràng.
Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam trưởng nóng trong giai đoạn 2011 - 2015, doanh số tăng từ 47.000 tỷ đồng lên 92.000 tỷ đồng với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới hai chữ số khoảng 18,3%. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2016 – 2019, mức tăng trưởng của ngành sữa có dấu hiệu giảm dần, doanh thu tăng nhẹ từ 95.000 tỷ đồng lên 119.000 tỷ đồng với tốc độ CAGR chỉ đạt 7,7%.
Trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo mức tăng trưởng hằng năm của ngành sữa vẫn tiếp tục duy trì ở mức 9% trong hai năm tiếp theo. Sản phẩm chủ lực trong thị trường sữa Việt Nam trong năm 2018 vẫn là sữa nước (chiếm 45% thị phần) và sữa bột (chiếm 29% thị phần).
Trong giai đoạn 2015 – 2018, doanh thu của Vinamilk tăng từ 40.080 tỷ đồng lên tới 52.562 tỷ đồng với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 9,5%. Mức tăng trưởng doanh thu của Vinamilk chủ yếu đến từ lĩnh vực chủ đạo của công ty – mảng kinh nội địa (chiếm 85% tổng doanh thu).
Năm 2019, PHS dự báo doanh thu của Vinamilk sẽ đạt 56.241 tỷ đồng, tăng trưởng 7%. Lợi nhuận sau thuế tăng 4,4% lên 10.682 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thu Vinamilk được kỳ vọng tăng 13% lên 63.622 tỷ đồng, nhờ tăng trưởng doanh thu nội địa 13% và tăng trưởng doanh thu nước ngoài 7%. Lợi nhuận sau thuế tăng 7% lên 11.411 tỷ đồng.