Ông Ousmane Dione, giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB)
Hôm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Điểm lại, nhìn lại tình hình của kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020. Tăng trưởng GDP được duy trì nhờ vào khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, xuất khẩu dự kiến tăng trưởng trên 8% trong năm 2019, cao hơn gần 4 lần so với bình quân của thế giới.
Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, cho rằng đã đến lúc Việt Nam thực sự thay đổi ngành nông nghiệp: “Việt Nam cần đa dạng hóa nông nghiệp, chúng ta cần phải trồng thêm cây khác, chúng ta tận dụng FDI, tăng cường kết nối với họ. Việt Nam cần kết nối tốt hơn với đầu cuối của xuất khẩu, chúng tôi lạc quan rằng Việt Nam đang thay đổi, nhưng có đúng hướng hay không lại là chuyện khác.
Còn theo ông Alaweed Altabani, chuyên gia trưởng về Tài chính, Ngân hàng Thế giới Việt Nam chỉ ra đang trong hoàn cảnh đặc thù, để nâng tầm được trong chuỗi cung ứng, chúng ta phải tăng được hàm lượng giá trị gia tăng. Việt Nam cũng cần nâng cao cạnh tranh trong ngành dịch vụ, bao gồm tài chính, bảo hiểm, ngân hàng.
Ông Ousmane Dione, giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) trong khi đó lại khuyến nghị Việt Nam về tương lai của FDI. Ông Ousmane cho rằng Việt Nam cần FDI, nhưng Việt Nam cần xem lại Việt Nam cần FDI nào cho thế hệ tương lai. Ông Ousmane nói: “ Cho đến nay Việt Nam vẫn cần FDI vào chế biến chế tạo, Việt Nam đã làm được gì để nâng tầm hoạt động chế tạo chế biến của Việt Nam. Việt Nam có lẽ chưa làm tốt trong nâng cao khâu cuối của chuỗi giá trị”.
Ông Ousmane nhấn mạnh Việt Nam sẽ phải nhìn vào 2 thái cực: “Chúng ta đang phát triển giống như kiểu đường parabol, Việt Nam cần phải nhìn vào “thượng nguồn” và “hạ lưu” của chuỗi cung ứng, vì vậy cần đến đổi mới sáng tạo. Chiến lược để phát triển thành công và bền vững không thể nào chỉ dựa mãi vào FDI, mà phải cần nhìn vào nền kinh tế trong nước như thế nào. Để thay đổi, cần chiến lược về tài chính, để doanh nghiệp có thể bắt đầu và có chiến lược hướng ra ngoài”.
Ông Alaweed Altabani, Chuyên gia trưởng về Tài chính, Ngân hàng Thế giới phân tích Việt Nam có thể học từ Trung Quốc về cách ứng phó với doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh. Theo ông Alaweed, cách đây vài năm, khi mà Trung Quốc bắt đầu vươn ra bên ngoài, họ cũng rất bối rối. Người Trung Quốc thiết lập ra chính sách tổng thể về cấu trúc doanh nghiệp, củng cố lại cơ cấu của khu tực tư nhân trong nước. Một số ngành của họ rất có năng lực cạnh tranh trong quốc tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc tập hợp lại thành thế mạnh. Vậy khi vươn ra nước ngoài, Việt Nam cần phải nhìn vào năng lực thế mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước Việt Nam là gì.
Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho rằng mô hình của Việt Nam hiện nay khá giống với Hàn Quốc và Nhật trước đây. Hàn Quốc từng dùng các công ty lớn để nâng cao cạnh tranh, người Hàn Quốc cho các công ty lớn cạnh tranh với nhau, thông điệp của chúng tôi là cạnh tranh vô cùng quan trọng, vì vậy ta phải để họ cạnh tranh với nhau. Chính phủ quan tâm nhiều đến giảm nợ công, nhưng việc giảm này chủ yếu do giảm đầu tư công. Vào tháng 6/2019, chính phủ đã có sửa đổi luật đầu tư công, điều này cần thiết để thúc đẩy kinh tế. Vấn đề ở đây không chỉ là đầu tư công mà cần phải phối hợp tốt với doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư.
Ngọc Diệp