Như đã đề cập bài trước, giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam ở mức khoảng 3 tỷ USD/năm, ngành cà phê đặt mục tiêu vào năm 2030, giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD. Trong bối cảnh giá phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, liệu ngành cà phê có đạt được mục tiêu như đã đề ra?
Sản lượng cà phê xuất khẩu với mức khổng lồ là 1,7 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới nhưng lại chỉ đạt được mức kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. 690 ha cây cà phê với cả triệu lao động tham gia sản xuất, kinh doanh thì rõ ràng giá trị xuất khẩu cà phê như vậy là còn rất thấp.
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành cà phê nước ta thấp và bấp bênh, nông dân trồng cà phê chỉ biết cầu mong sao cho thời điểm thu hái bán được giá cao chứ không có bất cứ điểm tựa chắc chắn nào để yên tâm sản xuất. Còn các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu thì phụ thuộc hoàn toàn vào các sàn giao dịch cà phê đang bị các nhà đầu cơ tài chính lũng đoạn.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam đánh giá, mấu chốt của khủng hoảng giá cà phê hiện nay nằm ở chỗ có đến 90% sản lượng cà phê của nước ta xuất khẩu thô.
Trong khi đó, giá cà phê nhân xô phụ thuộc hoàn toàn vào sàn cà phê kỳ hạn London và New York. Ở đó người ta điều tiết bằng các nhà đầu cơ tài chính dẫn đến giá lên xuống thất thường, đặt doanh nghiệp cũng như nông dân Việt Nam vào tình cảnh luôn bấp bênh.
“Các hãng cà phê lớn trên thế giới đều lấy cà phê Việt Nam để sản xuất cà phê nhưng chúng ta bán với giá rất rẻ. Điều đó cho thấy công tác xây dựng thương hiệu của chúng ta chưa có. Thứ hai, vấn đề xây dựng chất lượng cà phê để tạo giá trị thặng dư chất lượng còn thấp. Đây là điều chúng ta cần quan tâm bởi đó là tương lai của ngành nghề”, ông Đỗ Hà Nam chỉ rõ.
Mặc dù là quốc gia có sản lượng xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng có tới 90% sản lượng là xuất khẩu thô, cà phê nhân xô. Hơn nữa chất lượng cà phê nhân xô của Việt Nam còn thấp nên giá bán vừa rẻ mạt vừa phụ thuộc. Đây là nguyên nhân chính làm cho ngành cà phê nước ta luôn bị động và gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, để nâng cao giá trị ngành cà phê Việt Nam cần xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh cà phê bền vững.
Theo đó, việc tái canh cây cà phê, thay thế những diện tích cây đã già cỗi phải chọn được giống cây tốt, trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật, sản xuất ra hạt cà phê chất lượng.
Thêm vào đó, cần cơ cấu lại ngành cà phê phải chuyển dịch dần sang chế biến, giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu các sản phẩm cà phê đã chế biến để từ đó hạn chế sự phụ thuộc và các sản giao dịch đang bị các nhà đầu cơ tài chính lũng đoạn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Cty TNHH cà phê Vĩnh Hiệp cũng cho rằng, đã qua thời doanh nghiệp đầu tư ăn xổi, đầu cơ nhiều hơn đầu tư, không gắn kết với nông dân. Đây chính là lúc cần những doanh nghiệp có tâm, có tầm, có trách nhiệm với nông dân.
Để ngành cà phê đạt được mức giá trị xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030 là điều có thể làm được nếu các doanh nghiệp làm ăn có trách nhiệm, tạo điểm tựa để người nông dân trồng cà phê yên tâm sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng.
“Theo chủ trương của Chính phủ là năm 2030 chúng ta phải nâng tầm lên 6 tỷ USD. Điều đó không khó. Muốn làm được, các doanh nghiệp tại địa phương phải có năng lực, phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, ngành nghề. Quan trọng là làm sao để tạo được cho người nông dân có một điểm tựa vững chắc, làm cho họ thay đổi cách làm truyền thống, dịch chuyển để họ nâng cao được chất lượng sản phẩm, để họ cùng với doanh nghiệp, cùng với hội nhập, để phát triển ngành hàng cà phê”, ông Thái Như Hiệp nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thừa nhận, để đạt được mục tiêu 6 tỷ USD vào năm 2030, Bộ NN&PTNT đã đưa ra một loạt giải pháp từ giống đến quy trình chăm sóc, thu hái, khuyến khích đầu tư chế biến, quy hoạch và liên kết vùng nguyên liệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu… để vực dậy và phát triển ngành cà phê.
“Trước hết cần rà soát quy mô sản xuất cà phê, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ổn định diện tích cà phê khoảng 600.000ha vào năm 2025, trong đó phát triển một số vùng cà phê chất lượng cao gắn với quy hoạch chế biến và cơ sở hạ tầng. Khuyến khích các công ty chế biến xuất khẩu cà phê đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.
Trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay, ngành cà phê đã chỉ rõ những vấn đề nội tại cũng như tìm ra những điểm sáng, lối đi để vượt qua. Chuỗi giá trị sản xuất cà phê Việt Nam cần được xây dựng vững chắc với vai trò điều tiết tích cực của Nhà nước, gắn kết và tạo cơ chế để nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng làm tốt vai trò của mình.
Khi đó, sản lượng sẽ không còn là yếu tố duy nhất để nhìn vào mà phải là giá trị thực tế mà ngành cà phê mang lại; Cuộc sống của hàng triệu người làm cà phê Việt Nam, của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê Việt Nam không còn phụ thuộc và các nhà đầu cơ tài chính thế giới./.
Lê Bình