Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maksim Oreshkin.
Hãng tin RT của Nga mới đây dẫn lời Bộ trưởng phát triển kinh tế Maksim Oreshkin cho biết Nga và châu Âu năm vừa qua đã có thêm nhiều kết nối mở rộng, không chỉ về mặt kinh tế vốn ở mức cao và đang trở nên chắc chắn hơn mà còn về cả chính trị.
Theo ông Oreshkin, hợp tác giữa Nga và châu Âu vốn đang gia tăng và áp lực từ Mỹ chỉ tạo thêm xúc tác để phát triển mối quan hệ này.
Bộ trưởng Oreshkin giải thích rằng việc Mỹ quyết định trừng phạt dự án đường ống dẫn dầu Dòng chảy Phương Bắc 2 từ Nga tới Đức, cùng nhiều động thái khác, đã đẩy Nga xích gần lại với châu Âu.
Đề cập tới lệnh trừng phạt lên dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga cho rằng đó là vấn đề lớn của cả Nga và châu Âu.
Cũng theo ông Oreshkin, Nga và Pháp gần đây đã lập ủy ban liên chính phủ về vấn đề trừng phạt. Bộ trưởng Oreshkin và người đồng cấp Pháp Bruno Le Maire đều gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ là “không chấp nhận được”.
Theo Bộ trưởng Oreshkin, một trong những lý do khiến tăng trưởng toàn cầu trong năm nay đang ở mức yếu nhất kể từ 2009 bắt nguồn từ “các hành động đơn phương gây tổn hại đến thương mại toàn cầu”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
Các lệnh trừng phạt nằm trong một dự luật chi tiêu quốc phòng được Tổng thống Trump ký tại căn cứ Andrews, một cơ sở không quân bên ngoài thủ đô Washington.
Lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào những người tham gia Dòng chảy Phương Bắc 2 cũng như TurkStream - một dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, lệnh này sẽ đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ đối với các nhà thầu liên quan.
Ngay sau động thái này từ phía Mỹ, phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc Mỹ tìm cách cản trở các nước khác phát triển nền kinh tế của họ.
Một phát ngôn viên của EU cũng khẳng định về nguyên tắc, EU phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty EU tiến hành hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Ulrike Demmer, Đức bác bỏ những lệnh trừng phạt từ ngoài lãnh thổ như vậy. Lệnh trừng phạt này ảnh hưởng tới các công ty Đức và châu Âu, đồng thời thể hiện sự can thiệp vào nội bộ của các nước châu Âu.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc hiện tại trước khi rẽ nhánh.
Đường ống này sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu, cho rằng đường ống sẽ đem lại nguồn cung năng lượng ổn định với giá cả phải chăng.
Thanh Tú