Có những lúc, kể cả trong xung đột vũ trang, khi các đối thủ nhìn thấy lợi ích riêng của họ và chọn một thỏa thuận ngừng bắn để thế giới bên ngoài thấy đây là một bước đệm cho một nền hòa bình toàn diện. Nhưng cả hai bên đều biết đó sẽ chỉ là khúc dạo đầu cho những căng thẳng mới tiếp theo.'
Khúc dạo đầu căng thẳng?
Đây cũng có thể là cách nghĩ phù hợp nhất về thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây không phải là cách thị trường chứng khoán đang nhìn thấy tình hình. Thay vào đó, họ đánh giá tích cực thỏa thuận này và thông tin về việc kí kết đã giúp cải thiện cả triển vọng kinh tế trước mắt và dài hạn.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm chậm tăng trưởng toàn cầu và làm giảm lợi nhuận và đầu tư của các công ty trên toàn thế giới. Hoa Kỳ đã công bố 28 tỷ USD trợ cấp cho nông dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi tranh chấp này.
Sau một quá trình đàm phán kéo dài, chính phủ Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về một loạt vấn đề khá hẹp. Trong khi chờ thêm thông tin, thị trường chứng khoán đã coi điều này như một động thái đầy ý nghĩa để giảm căng thẳng thương mại và ngay lập tức, đẩy một số chỉ số lên mức kỷ lục.
Lợi ích được chú ý nhiều nhất là loại bỏ nguy cơ tăng thuế ngắn hạn, một diễn biến được phần lớn lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ chào đón. Sự kiện này đã khiến một số nhà quan sát và chiến lược gia thị trường dự đoán rằng những bất đồng trong sản xuất toàn cầu sẽ được ngừng lại, đầu tư kinh doanh sẽ cao hơn – những yếu tố đáng chú ý trong tăng trưởng GDP toàn cầu.
Dù vậy, những kì vọng trung hạn thuận lợi sẽ khó có thể thành hiện thực vì nhiều lý do.
Khó hi vọng trong trung hạn
Đầu tiên, thỏa thuận này không giải quyết một cách dứt khoát những bất bình lâu nay mà Hoa Kỳ (và các quốc gia khác) có đối với một số hoạt động thương mại của Trung Quốc. Thỏa thuận giai đoạn 1 về cơ bản là một giao dịch trao đổi hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ ở mức cao hơn để loại bỏ mối đe dọa tăng thuế vào ngày 15 tháng 12 của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, Bắc Kinh sẽ mua thêm nông sản Mỹ. Trung Quốc đã mua 24 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong năm 2017, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Còn Mỹ đã tạm dừng áp thuế mới từ ngày 15/12 đối với hàng hóa Trung Quốc. Chính quyền Trump đã áp thuế quan đối với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 7/2018.
Thứ hai, thỏa thuận này quá hẹp để đảo ngược lập trường ủng hộ ngày càng vững chắc của lưỡng đảng đối với việc Mỹ cần có một lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc, không chỉ vì vấn đề kinh tế mà còn vì lý do an ninh quốc gia và nhiều vấn đề khác.
Thứ ba, việc thực thi và xác minh thỏa thuận này không hề đơn giản, điều cho thấy một lỗ hổng nội bộ quan trọng.
Thứ tư, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đều không muốn đưa chữ ký của mình vào thỏa thuận này một cách rõ ràng và để việc kí kết cho các quan chức thương mại song phương.
Cuối cùng, vấn đề hàng đầu trong tranh cãi thương mại này – về mặt công nghệ - vẫn tiếp tục gây ra căng thẳng khiến Trung Quốc chỉ trích Đức trong tuần này về Huawei Technologies Co.
Chỉ cần xem xét một số ưu tiên chính trị ngắn hạn ở Trung Quốc và Hoa Kỳ để hiểu lý do tại sao họ chọn một thỏa thuận ngắn hạn và chưa đủ mạnh mẽ như vậy.
Trong quá trình luận tội ồn ào và nguy cơ nền kinh tế chậm lại trong cuộc bầu cử sắp diễn ra vào năm tới, chính quyền Trump muốn có một chiến thắng rõ ràng, trong thời gian ngắn theo như dự định. Còn sự quan tâm của Trung Quốc nằm ở việc để ra thời gian đẩy nhanh tái cấu trúc nội bộ - điều cần thiết để giảm độ nhạy cảm với sự gián đoạn về thương mại. Điều này đặc biệt quan trọng khi các biện pháp kích thích ngắn hạn ngày càng không phù hợp với cải cách cơ cấu dài hạn. Điều cuối cùng mà Trung Quốc nghĩ tới là phải đối mặt với một cuộc chiến tranh thương mại/ đầu tư/ tiền tệ vào thời điểm dễ bị tổn thương về mặt thương mại như hiện tại.
An Bình