Theo lộ trình, việc cấm lưu thông xe máy trong các quận nội thành Hà Nội nhằm tăng cường mục tiêu quản lý số lượng xe, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường sẽ được thực hiện vào năm 2030.
Tại các thành phố lớn khác như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, vấn đề cấm xe máy cũng đã được bàn luận đến.
Cụ thể, tại Đà Nẵng, ngày 7/7/2017, chính quyền TP đã phê duyệt đề xuất "Cải thiện giao thông công cộng, quản lý phương tiện cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và quản lý lưu lượng giao thông trong thành phố".
Cũng trong năm 2017, TP. Hồ Chí Minh đã bàn đến vấn đề này với những mục tiêu như đầu cầu Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay chưa có thêm quyết định chính thức về vấn đề này.
Phân tích về việc cấm xe máy tại các thành phố lớn, EuroCham nhấn mạnh: Xe máy là phương tiện giao thông không thể thiếu đối với đời sống hàng ngày và sinh kế của hàng triệu người.
Xe máy đã trở thành phương tiện tiết kiệm, thuận tiện và linh hoạt nhất, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi đường phố chật hẹp và hệ thống phương tiện giao thông thay thế còn chưa phát triển. Hiện nay và trong tương lai gần, hạ tầng giao thông công cộng trong các thành phố lớn không đủ để đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của người dân, EuroCham nhận định. "Vì vậy việc cấm xe máy có thể tạo ra những khó khăn và bất lợi lớn cho người dân ở các thành phố lớn".
Thực tế việc cấm xe máy không phải là hình thức mới, nó đã được thực hiện ở một số nơi như Jakarta (Indonesia), theo EuroCham.
Tuy nhiên, sau lệnh cấm này, Chính phủ Indonesia đã vấp phải phản đối của người dân do hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng của Jakarta không đủ để đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của người dân và sau đó quy định cấm xe máy đã bị bãi bỏ.
Ngoài ra, EuroCham cũng cho rằng việc chỉ cấm xe máy không phải là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông tại các thành phố lớn.
Nguyên nhân của các vấn đề này nằm ở việc quản lý thiếu hiệu quả phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng lái xe kém và ý thức chưa cao về an toàn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, quy định cấm được đề xuất cũng có thể gây thách thức lớn cho ngành sản xuất xe máy mà trong một thập kỷ qua đã thực hiện những khoản đầu tư dài hạn vào Việt Nam nhằm phát triển thị trường trong nước và quốc tế và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước bên cạnh giá trị nộp thuế lớn và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Vì vậy, tổ chức này kiến nghị chính quyền các địa phương nên xem xét thêm các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông trong các thành phố lớn, ví dụ như trường hợp của Đài Loan.
Vùng lãnh thổ này có hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng giao thông tiên tiến được sử dụng kết hợp hiệu quả với xe máy.
Hay các thành phố phát triển tại châu Âu như Milan và Paris đã thành công áp dụng biện pháp khu vực hạn chế giao thông.
Bên cạnh đó, EuroCham cho rằng các cơ quan chức năng cũng cần xem xét nhu cầu của người dân nhằm đề xuất quy hoạch tổng thể khả thi, giảm thiểu tối đa tác động đến đời sống hàng ngày và công việc của người dân và tránh hệ quả tiêu cực về kinh tế.
"Chúng tôi đề xuất chỉ quản lý hoặc cấm xe máy cũ, vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ, nơi chính phủ chỉ cấm xe máy đã sử dụng quá 20 năm", phía EuroCham nói.
Hà Thư