Trước tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại Hà Nội như hiện nay, thì việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng là giải pháp an toàn, hợp lý. Xuất phát từ những lợi ích chung của cộng đồng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông ra đời nhằm góp phần cải thiện sinh hoạt của người dân Thủ đô, đồng thời đem lại nhiều giá trị khác cho xã hội.
Linh hoạt phương thức thanh toán
Một trong những điểm mới và nổi bật nhất của dự án đường sắt Cát Linh là phương thức thanh toán được sử dụng linh hoạt hơn, giá vé cũng được điều chỉnh để phù hợp với lợi ích của đại đa số người dân.
Để chuẩn bị cho công tác này, thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến dự thảo phương án giá vé trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông. Dự kiến sẽ có 3 loại vé áp dụng theo tháng, ngày và lượt.
Theo dự thảo, giá vé hành khách đi theo ngày là 30.000 đồng/người, không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến. Tức là, trong một ngày, hành khách có thể lên xuống thoải mái mà không mất thêm chi phí khác.
Nếu đi theo tháng, giá vé là 200.000 đồng/người. Còn đối với giá vé lượt, được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng, áp dụng đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng, đối với quãng đường ngắn nhất. Đặc biệt, vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng.
Mức giá trên đã được trợ giá từ nhà nước, bao gồm tiền bảo hiểm thân thể của hành khách và chỉ áp dụng trong thời gian thí điểm kể từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại.
Tàu chạy an toàn
Tàu đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chạy bằng điện, do đó nguồn cung cấp điện được xem là cốt lõi và cực kỳ quan trọng.
Đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tàu sử dụng cho tuyến metro có 2 đường cấp điện độc lập và dự phòng lẫn nhau. Trường hợp một trong hai đường điện bị ngắt, đường điện còn lại sẽ tự động cung cấp liên tục cho đoàn tàu.
Tuy nhiên, nếu khi tàu đang chạy mà cùng lúc cả hai đường điện đều bị ngắt, thì tàu sẽ tự động dừng lại và tự động kích hoạt hệ thống hãm khẩn cấp, sử dụng hãm khí nén. Điều này sẽ duy trì các hoạt động như điều khiển, tín hiệu bảo vệ, thông gió, đóng mở cửa… của hệ thống trong thời gian từ 30 – 45 phút, để chờ công tác cứu hộ, cứu nạn được diễn ra.
Liên thông với nhiều tuyến xe buýt
Tuyến tàu điện trên cao đầu tiên ở Hà Nội có tốc độ 35 km/h, sức chứa khoảng 1.000 khách. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi trên cao dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh - Đống Đa, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa - Hà Đông đang trong giai đoạn chạy thử; dự kiến vận hành thương mại 6 tháng tới.
Cho tới thời điểm hiện tại, dọc hành lang đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên trục quốc lộ 6 có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội. Sở GTVT Hà Nội đang điều chỉnh, giảm các tuyến xe buýt bị trùng lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông để gom khách cho tuyến đường sắt và giải tỏa tại các nhà ga.
Phần lớn tuyến xe buýt không bị trùng, giúp giải toả tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga. Tất cả các nhà ga đường sắt đều có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố. Điều này giúp việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.
Các tuyến buýt có lộ trình hoạt động chủ yếu trên trục QL 6 như đoạn Ngã Tư Sở - Yên Nghĩa có 6 tuyến trục hoạt động trùng với lộ trình đường sắt: 01, 02, 19, 21A, 21B, 27. Các tuyến xe buýt có lộ trình cắt ngang quốc lộ 6 như 05, 22, 29, 33, 37, 39, 57, 60A, 60B, 62.
Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng được kết nối với các tuyến buýt hướng ra ngoại thành theo các trục quốc lộ 6, quốc lộ 21B như tuyến 72 Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai, tuyến 37 Bến xe Giáp Bát - Chương Mỹ, tuyến 57 bến xe Nam Thăng Long - KCN Phú Nghĩa...
Nhà ga được trang bị tiện nghi
Không chỉ nổi bật với đoàn tàu nội đô màu xanh lá, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn gây sự chú ý bởi màu sắc và sự hiện đại của 12 nhà ga. Theo Ban quản lý dự án Đường sắt, sở dĩ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thiết kế mái cong, là để phù hợp với khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều của Việt Nam.
Tất cả các nhà ga được bố trí nhiều tiện ích hiện đại như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh... Đồng thời, xung quanh các nhà ga được bố trí điểm đỗ xe cho hành khách gửi xe cá nhân, điểm đỗ xe buýt, hành khách lưu thông bằng cầu đi bộ hoặc cầu thang lên nhà ga trên cao.
Tựu chung lại, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Không chỉ giúp cho môi trường trở nên trong sạch hơn, hạn chế khói bụi và giảm thiểu ô nhiễm do xe cộ gây ra mà còn giúp người dân thuận tiện hơn trong việc di chuyển, đặc biệt là rút ngắn thời gian và tiết kiệm được chi phí đi lại.
Mỹ Linh (tổng hợp)