Ảnh minh họa
Nói nôm na câu chuyện như sau: Dù là một trong những “ông lớn” ngành nước giải khát tại thị trường Việt, nhưng Coca-Cola Việt Nam liên tục báo lỗ kể từ khi hoạt động ở Việt Nam từ 1992 đến cuối 2012. Công ty này cho rằng lỗ luỹ kế lên tới 3.768 tỷ đồng, cao hơn cả số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ. Nghĩa là về mặt kỹ thuật lẽ ra công ty này phải phá sản. Vô lý hơn nữa khi thực tế sản lượng DN này liên tục tăng 25%/năm; năm 2014 lại tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 210 triệu USD.
Từ hàng chục năm nay, cơ quan chức năng đã “đau đầu” tìm cách hóa giải nghịch lý này. Đây là hiện tượng gian lận chuyển giá; là việc một số DN FDI có mối quan hệ liên kết (nhất là trong các tập đoàn đa quốc gia) giao dịch, thực hiện chính sách với hàng hóa, dịch vụ… với nhau không theo giá thị trường nhằm “bóp” số thuế phải nộp với nước sở tại.
Các hình thức chuyển giá có thể là “phù phép” tăng giá trị tài sản góp vốn; nâng khống giá trị tài sản vô hình (phần mềm, bằng sáng chế, thương hiệu, công thức pha chế…); mua, bán nguyên vật liệu, thành phẩm với giá “trời ơi”; kê “vống” chi phí quảng cáo, quản lý, hành chính…
Theo một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có năm có 40-50% DN FDI tại Việt Nam kê khai lỗ, trong đó rất nhiều DN lỗ liên tục nhiều năm, nhiều DN báo lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu. Bất thường là họ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, thậm chí mở rộng quy mô kinh doanh.
Suốt nhiều năm, tưởng như chúng ta đã “bó tay” trước hiện tượng ấy.
Cho đến hôm qua (10/1/2020), tại một hội nghị, ông Đặng Ngọc Minh, Tổng cục phó Tổng cục Thuế, cho biết Coca-Cola Việt Nam vừa nộp số tiền hơn 471 tỷ, nằm trong tổng số thuế bị phạt và truy thu hơn 821 tỷ… sau đợt thanh tra kéo dài từ 2007-2015.
Dù Coca-Cola Việt Nam chưa nộp hết số tiền hơn 350 triệu còn thiếu; dù đại diện DN này chỉ cho rằng “đã mắc phải những sai sót nhỏ”; và DN này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định này; nhưng ít nhất dư luận cũng có quyền vui mừng vì đã thấy những động thái quyết liệt với các DN gian lận; vì bài toán hàng chục năm đau đầu đã có lời giải; vì trình độ cán bộ thuế đã có thể “bóc mẽ” “mánh khóe” của những tập đoàn quốc tế.
Hà Minh