Chưa bao giờ đánh bắt hải sản lại ảm đạm như năm 2019

Chưa bao giờ đánh bắt hải sản lại ảm đạm như năm 2019
Năm 2019 được cho là một năm khó khăn của ngành khai thác, đánh bắt hải sản khi nhiều tàu cá nằm bờ, khai thác không hiệu quả.

Thời gian qua, Luật thủy sản được triển khai, các giải pháp gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu được thực hiện quyết liệt đã có những tác động đến hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản. Nhìn chung, năm qua, tình hình đánh bắt gặp nhiều khó khăn, sản lượng đánh bắt của các địa phương đa phần giảm. Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, các tỉnh có thế mạnh trong vùng ĐBSCL cũng đã đưa ra nhiều giải pháp.

Đánh bắt thua lỗ

Kiên Giang là tỉnh có lượng tàu đánh bắt lớn nhất nước. Nhiều năm qua, lĩnh vực khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản luôn là niềm tự hào và góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, năm nay, hơn 1.000 tàu cá trong tổng số hơn 9.800 tàu của địa phương này nằm bờ vì đánh bắt thua lỗ. Chưa bao giờ lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Kiên Giang gặp khó khăn như vậy.

Nhiều tàu cá của tỉnh Kiên Giang nằm bờ.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang chỉ rõ: "Năm nay tàu biển nằm bờ rất nhiều, khai thác đánh bắt không hiệu quả, chỉ một số rất nhỏ đánh bắt tạm được. Năm 2019 là năm khó khăn chồng chất nặng nề nhất trong các năm".

Thực trạng nêu trên đã kéo theo sản lượng khai thác, đánh bắt của tỉnh Kiên Giang không đạt được như kế hoạch. Còn tại tỉnh Cà Mau, tình hình đánh bắt cũng gặp nhiều khó khăn. Số liệu tổng kết đến tháng 10 vừa qua của tỉnh cho thấy, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 154.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm đánh bắt chỉ đạt khoảng 7.000 tấn, giảm tới 21% so với cùng kỳ.

Ông Phạm Văn Tuyển (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) - người đã hành nghề câu mực trên biển gần 20 năm qua nhưng chưa bao giờ thấy tình hình đánh bắt ảm đạm như năm nay.

Tình hình khai thác đánh bắt thủy hải sản năm qua khá ảm đạm.

Nguyên nhân chủ yếu để lý giải cho thực trạng trên được cho là do ngư trường ngày càng cạn kiệt. Ngoài ra, năm nay Luật Thuỷ sản có hiệu lực và việc các tỉnh đẩy mạnh ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu cũng đã tác động rất lớn đến hoạt động đánh bắt.

Như tại tỉnh Cà Mau, các tàu cá dài trên 15m bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đã có hơn 1.000/tổng hơn 1.600 tàu của tỉnh lắp đặt và nằm trong diện quản lý chặt chẽ, khó có thể vi phạm ngư trường đánh bắt.

Liên kết để cùng phát triển

Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, hiện các tỉnh có thế mạnh đánh bắt tại vùng ĐBSCL đã tiến hành nhiều giải pháp. Bên cạnh việc hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề thì hướng liên kết theo chuỗi để giảm chi phí đánh bắt và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng được đẩy mạnh.

Cụ thể hóa hành động theo hướng này, Trung tâm Khuyến công tỉnh Cà Mau đã có những hỗ trợ cho một số doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản.

Sản lượng hải sản giảm.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, cán bộ quản lý xưởng chế biến của Công ty TNHH Mỹ Thuyền (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) – đơn vị được hỗ trợ đầu tư mô hình máy cán sấy mực theo công nghệ Nhật Bản, cho biết: "Nhờ áp dụng công nghệ chế biến mới, sản phẩm khô mực cán sấy của công ty có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và năng lực sản xuất cũng tăng cao hơn. Từ đó, đơn vị đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều nước để tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn, qua đó, có thể chia sẻ khó khăn với ngư dân".

"Nhu cầu mực cán nướng đang thịnh nên công ty đầu tư thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tiềm năng của mặt hàng này là rất rộng và rất lớn, chúng tôi đang mở rộng thị trường ra các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á" - ông Tuất cho biết.

Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh đang siết chặt thực hiện các quy định trong Luật Thuỷ sản và đang ban hành Quy định về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Trong đó, có cả việc sắp xếp lại cơ cấu các nghề khai thác cho phù hợp với vùng biển. Còn về lâu dài, ở tầm quản lý vĩ mô, để ngành thủy sản phát triển bền vững cần tái cấu trúc.

Ngư trường ngày càng cạn kiệt.

Vấn đề này đã được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ trong buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang vừa qua: "Về Lâu dài, chúng ta phải tái cấu trúc ngành thủy sản. Vừa qua, chúng ta đã làm nhưng làm tự phát, chưa bài bản, chưa hệ thống. Trong chiến lược biển, chúng ta tập trung tái cấu trúc theo hướng tăng nuôi trồng, giảm cơ cấu khai thác trong kinh tế thuỷ sản. Các địa phương cần tập trung tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản".

Tình hình đánh bắt thủy sản năm 2019 không được suôn sẻ, nhiều ngư dân đang lâm cảnh khó khăn. Để khuyến khích ngư dân đánh bắt đúng quy định, bám biển và sống được với biển, các địa phương cần có những hỗ trợ và biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để tháo gỡ./.

Lam Hiếu - Trần Hiếu

Tags: Đánh Bắt Hải Sản Khai Thác Hải Sản Luật Thủy Sản Tàu Biển Nằm Bờ Ngư Trường Cạn Kiệt Xuất Khẩu Thủy Sản